Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với tỷ lệ 92,96% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ngày 22/5/2020, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp thêm ý kiến về một số điều, khoản cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đề cập thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân (HĐND và UBND) cấp huyện, cấp xã (Điều 30). Theo đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định những vấn đề được phân quyền, để thực hiện phân cấp hoặc quy định những biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm riêng của địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Như đã giải trình với Quốc hội tại Báo cáo số 533/BC-UBTVQH14 ngày 20/5/2020, việc chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định những vấn đề đặc thù ở địa phương không phải là phổ biến, chỉ phát sinh ở một số ít địa phương và thực tế đã có giải pháp để xử lý.
Đối với trường hợp luật phân quyền cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, nếu cần thiết ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thì luật phải giao cụ thể, do đó đây không phải là vấn đề mới. Riêng trường hợp HĐND, UBND cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chưa được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân cấp cho cấp dưới như thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trường hợp luật giao chính quyền địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết thì thời điểm luật có hiệu lực sau khi được ban hành cần dài hơn để chính quyền địa phương có đủ thời gian xây dựng, ban hành văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các dự thảo luật khi trình Quốc hội đều dự kiến thời gian có hiệu lực, trong đó cơ quan trình đã cân nhắc, tính toán đến việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Về vấn đề đại biểu nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu để chỉ đạo các cơ quan trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cần lưu ý, dự liệu thời điểm có hiệu lực của luật phù hợp hơn, bảo đảm đủ thời gian cho các cơ quan, địa phương thực hiện./.