Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo một số nội dung
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, ngày 25 tháng 5 năm 2020, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến, cho ý kiến về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như sau:
Về phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà đương sự có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, trong đó đã bao gồm cả những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính có yếu tố nước ngoài như ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho được giữ như Điều 1 dự thảo Luật.
Đồng thời, việc dự thảo Luật quy định tại đoạn cuối Điều 1: “Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định” là nhằm mục đích xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật với các luật khác cũng có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại. Còn Nghị định số 22/20217/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về Hòa giải thương mại được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Thương mại về hình thức giải quyết tranh chấp bằng cơ chế hòa giải. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý lại nội dung này tại khoản 3 Điều 1.
Về bảo mật thông tin, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm sự thống nhất giữa khoản 1 Điều 4 và điểm e khoản 1 Điều 8, dự thảo Luật đã chỉnh lý lại điểm e khoản 1 Điều 8, theo hướng “các bên tham gia hòa giải, đối thoại có quyền yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại giữ bí mật thông tin do mình cung cấp”; Đồng thời chỉnh lý khoản 6 Điều 30 theo hướng “Thẩm phán tham gia phiên họp ký xác nhận biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại và phải giữ bí mật thông tin về hòa giải, đối thoại do các bên cung cấp tại phiên họp theo yêu cầu của họ”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, bảo mật thông tin là một nội dung quan trọng, mang tính nguyên tắc xuyên suốt quá trình hòa giải, đối thoại được quy định trong dự thảo Luật và phù hợp với Điều 38 Bộ luật Dân sự (Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình). Quy định như dự thảo Luật nhằm bảo đảm quá trình hòa giải, đối thoại các bên có thể yên tâm trình bày với Hòa giải viên tất cả những vấn đề liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện, kể cả thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật nghề nghiệp, công nghệ, kinh doanh… Đây là điểm khác biệt giữa cơ chế hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng so với hoạt động tố tụng do các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện (phải lập biên bản, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh…). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được giữ như quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật.
Toàn cảnh Phiên họp
Về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Hòa giải viên là người tiến hành hòa giải, đối thoại, có vai trò, trách nhiệm chính trong hoạt động hòa giải, đối thoại. Thẩm phán phụ trách công tác hòa giải, đối thoại chỉ hỗ trợ cho hoạt động này. Đồng thời, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong từng giai đoạn cũng đã được quy định cụ thể tại dự thảo Luật. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được giữ như quy định của dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra rằng, việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ của Hòa giải viên chỉ cần thiết đối với những người có nguyện vọng làm Hòa giải viên để bảo đảm đáp ứng điều kiện bổ nhiệm theo quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật, còn sau khi đã được bổ nhiệm làm Hòa giải viên thì Tòa án có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hòa giải viên thường xuyên hoặc định kỳ giúp Hòa giải viên cập nhật kiến thức pháp luật mới. Đối với những người đã là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thanh tra viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động pháp luật thì không nhất thiết phải có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ Hòa giải viên trước khi họ được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên. Do đó, để bảo đảm phù hợp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được chỉnh lý như thể hiện tại điểm d khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật.
Về tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên; quan hệ giữa Tòa án và Hòa giải viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, chất lượng, hiệu quả của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ Hòa giải viên. Đồng thời, theo quy định tại Điều 1 dự thảo Luật thì đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi Hòa giải viên phải am hiểu pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Do đó, việc quy định các điều kiện đối với Hòa giải viên như dự thảo Luật sẽ giúp lựa chọn được các Hòa giải viên đáp ứng yêu cầu hòa giải, đối thoại các loại tranh chấp, khiếu kiện phức tạp nêu trên. Thực tiễn thí điểm tại 16 tỉnh thành phố vừa qua cho thấy, hầu hết đội ngũ Hòa giải viên là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thanh tra viên đã nghỉ hưu, các chuyên gia có nhiều năm làm công tác pháp luật nên đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Hòa giải viên và giải quyết hiệu quả các tranh chấp. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt cao vừa qua và cho đến nay chưa có vụ việc nào đương sự đề nghị xem xét lại. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được giữ như quy định của dự thảo Luật.
Ngoài các nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, báo cáo đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến khác của đại biểu Quốc hội đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật như: Việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; phạm vi hoạt động của Hòa giải viên; thời hạn, địa điểm tổ chức hòa giải, đối thoại; bổ sung cụm từ “tại Tòa án” vào tên một số điều của dự thảo Luật; quy định về giải thích từ ngữ; thay cụm từ “thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án cấp tỉnh” bằng cụm từ “trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án cấp tỉnh” tại Điều 8 và Điều 17; chỉnh sửa nhiều nội dung tại nhiều điều luật; bố cục lại một số điều, khoản; chỉnh lý kỹ thuật văn bản bảo đảm phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan. Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm có 04 chương, 42 điều./.