XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN PHÙ HỢP VỚI NHIỆM VỤ BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

27/03/2020

Thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Xây dựng lực lượng dự bị động viên phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Toàn cảnh thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV

Đa số các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã được nghiêm túc chỉnh lý, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Nhiều nội dung, quy định của dự thảo Luật đã bám sát nguyên tắc, chủ trương xây dựng lượng dự bị động viên hùng hậu, nâng cao chất lượng hiệu quả, tổ chức huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Việc xây dựng lượng dự bị động viên đã bám sát tình hình, đặc thù trong công tác quân sự quốc phòng, xây dựng và bảo vệ đất nước nhất là trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nêu quan điểm về phạm vi điều chỉnh của dự luật, đại biểu Quốc hội Lưu Đức Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng Điều 1 quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên là chưa đủ. Việc sử dụng thuật ngữ "kinh phí bảo đảm" chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Dự luật, bởi hoạt động bảo đảm không đơn thuần chỉ là bảo đảm về kinh phí mà còn nhiều hình thức bảo đảm khác về hậu cần, kỹ thuật theo chuỗi các tác nghiệp cần thiết khác nhau trong dự bị động viên. Do đó, đại biểu Lưu Đức Long đề nghị chỉnh sửa lại nội dung "chế độ chính sách, kinh phí bảo đảm" thành "chế độ, chính sách và công tác bảo đảm" cho phù hợp và đầy đủ với đặc điểm, tính chất của lực lượng dự bị động viên trên thực tế và các quy định.

Đại biểu Quốc hội Lưu Đức Long- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, phát biểu ý kiến

Nhất trí với các nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên được quy định tại Điều 3 dự thảo Luật, các đại biểu cũng đề nghị xem xét, bổ sung nguyên tắc bảo đảm tài sản của cá nhân, chủ sở hữu khi có tài sản đăng ký dự bị. Nhà nước cần bảo đảm có sự hoàn trả, bồi thường, đền bù nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng hoặc bị phá hủy nhằm bảo đảm nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự và bảo đảm chủ sở hữu không bị thiệt hại khi tài sản bị hư hại. Quy định nguyên tắc này sẽ đồng bộ với các quy định về chính sách, chế độ, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dự bị động viên đã được dự thảo luật quy định ở các Điều 5, 6 và các điều ở các chương cụ thể khác.

Quốc hội thông qua dự án Luật Lực lượng lượng dự bị động viên với đa số ý kiến tán thành

Chiều ngày 26/11/2019, với đa số ý kiến tán thành (92,96%), Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Lực lượng lượng dự bị động viên với 5 chương 41 điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng DBĐV; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng lượng dự bị động viên.

Một trong các nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật

Luật quy định nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Xây dựng, huy động đơn vị dự bị động viên bảo đảm đủ quân số, phương tiện kỹ thuật dự bị; đúng tiêu chuẩn, thời gian; bảo đảm bí mật, an toàn theo quy định của pháp luật và kế hoạch được phê duyệt...

Luật cũng quy định việc tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên là: Quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên; Đơn vị dự bị động viên phải duy trì đủ quân số quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15%, dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp.

Luật quy định các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên đồng thời bổ sung huy động khi thi hành lệnh thiết quân luật; huy động để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi, thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng năm 2018 và quy định của pháp luật có liên quan.

Luật quy định chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị được xếp vào đơn vị dự bị động viên, quân nhân dự bị được bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên; chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; chế độ trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời gian được huy động.

Luật cũng quy định cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ, tiếp nhận, bố trí công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ. Việc quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm quyền lợi của quân nhân dự bị khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện để quân nhân dự bị yên tâm tư tưởng phục vụ trong ngạch dự bị.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020./.

Thu Phương