Thiếu nguồn lực triển khai thực hiện các chính sách cho thanh niên
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, qua 15 năm triển khai, thi hành Luật Thanh niên đã bộc lộ, nhiều tồn tại hạn chế. Một trong những tồn tại, hạn chế đó là thiếu nguồn lực cả về con người và tài chính để triển khai thực hiện các chính sách đã được quy định trong luật.
Luật Thanh niên 2005 đã quy định 08 quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên trên các lĩnh vực quan trọng tác động đến việc phát triển và phát huy thanh niên: học tập; lao động; bảo vệ Tổ quốc; hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường; hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, vui chơi, giải trí; bảo vệ sức khỏe, thể dục, thể thao; hôn nhân và gia đình; tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Toàn cảnh hội nghị
Tuy nhiên, nguồn lực để bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên lại không được quy định cụ thể trong Luật. Bên cạnh đó, một số quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc tạo điều kiện cho thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học, việc làm, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe mới dừng lại ở việc kêu gọi, khuyến khích thực hiện mà chưa xác định rõ nguồn lực để bảo đảm thực hiện
Các đại biểu cũng chỉ ra, hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa được kiện toàn đầy đủ; không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi; đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên được bố trí chưa đủ để tương xứng với nhiệm vụ được các cấp có thẩm quyền giao. Bên cạnh đó, kinh phí, cơ sở vật chất dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách được quy định của Luật thanh niên còn hạn chế và chưa được đầu tư đúng mức.
Qua nghiên cứu, khảo sát Luật Thanh niên tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, có một số quốc gia đã quy định về nguồn ngân sách quốc gia dành cho việc thực hiện chính sách thanh niên vào hẳn trong Luật. Ví dụ, Luật Thanh niên của Cộng hòa Serbia dành hẳn 01 Chương quy định về kinh phí cho các chương trình và dự án vì lợi ích công đối với thanh niên. Trong đó có các Điều quy định; Đối với cấp Trung ương, kinh phí cho các chương trình và dự án về thanh niên được quy định trong ngân sách của nước Cộng hòa Serbia. Đối với các địa phương: Việc bố trí kinh phí để đáp ứng nhu cầu và lợi ích của thanh niên ở địa bàn tỉnh tự trị phải phù hợp với lợi ích và nhu cầu và sức mạnh kinh tế của tỉnh tự trị và được lấy từ ngân sách của tỉnh tự trị. Trong Luật Thanh niên của Cộng hòa Serbia có quy định Chiến lược thanh niên quốc gia là biện pháp thực hiện chính sách phát triển thanh niên và quy định: Kinh phí để thực hiện Chiến lược phải được quy định trong ngân sách của Cộng hòa Serbia, trong ngân sách của các tỉnh tự trị, ngân sách của các cơ quan chính quyền địa phương và từ các nguồn khác theo quy định của Luật này.
Luật Thanh niên của Bungari cũng quy định các nguyên tắc chính, công tác quản lý, cung cấp tài chính cho các hoạt động nhằm thực hiện chính sách thanh niên nhà nước.
Luật Thanh niên của Latvia quy định việc cung cấp tài chính từ ngân sách nhà nước được cung cấp cho các sáng kiến của thanh niên, các tổ chức thanh niên, cơ quan nhà nước địa phương tham gia vào quá trình ra quyết định hoặc các vấn đề xã hội. Việc cũng cấp tài chính này được thực hiện qua thi tuyển công khai.
Tại Rumani, Luật Thanh niên quy định phân bổ kinh phí hàng năm cho thanh niên từ nguồn ngân sách nhà nước để tài trợ cho hoạt động trong lĩnh vực thanh thiếu niên. Các hội đồng địa phương có thể, trong ngân sách của mình, thành lập Quỹ hoạt động thanh niên hàng năm, được sử dụng để tài trợ cho hoạt động thanh thiếu niên địa phương; nguồn thu của các tổ chức thanh niên trong một số trường hợp không phải chịu thuế.
Tại Indonesia, Luật Thanh niên ở nước này cũng dành hẳn 01 chương về tài chính cho hoạt động của thanh niên. Theo đó, Nhà nước trung ương, chính quyền địa phương, tổ chức thanh niên và xã hội có trách nhiệm tạo quỹ cho hoạt động của các dịch vụ thanh niên theo nguyên tắc minh bạch, hiệu quả.
Luật Thanh niên Philippines cũng quy định phân bổ hàng năm từ ngân sách 50 triệu peso cho hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên dành cho hoạt động thực hiện chính sách thanh niên, những khoản cho bất thường được tính vào khoản chi của Văn phòng Tổng thống.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị
Nhiều chuyên gia cho biết, qua nghiên cứu, khảo sát Luật Thanh niên một số nước cũng cho thấy, bên cạnh nguồn tài chính dành cho việc thực hiện chính sách thanh niên, một số quốc gia trên thế giới đã bố trí đủ nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và tổ chức thực hiện chính sách phát triển thanh niên.
Có thể kể đến, Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga là cơ quan được Chính phủ Liên bang giao nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Trong Bộ Giáo dục và Khoa học có Cơ quan Liên bang về thanh niên trực tiếp thực hiện việc xây dựng và tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Chính quyền thành phố Xanh Petecbua có Ủy ban Chính sách thanh niên và thương thuyết với các tổ chức phi chính phủ để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên toàn thành phố. Ủy ban chính sách thanh niên thành phố là cơ quan giúp Chính quyền thành phố điều tiết các hoạt động của chính quyền với thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên thành phố phát triển. Hiện nay, Ủy ban chính sách thanh niên thành phố Xanh Petecbua có khoảng 48 người làm việc.
Tại Bungari, Bộ Thanh niên và Thể thao Bungari là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên, trong Bộ Thanh niên và Thể thao Bungari có Vụ Chính sách thanh niên trực tiếp tham mưu việc xây dựng và tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Vụ Chính sách thanh niên có 02 phòng (Phòng Tổ chức thanh niên và phòng chính sách thanh niên) với 16 biên chế.
Tại Hungari có Vụ Thanh niên và gia đình tham mưu việc xây dựng và tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên, Vụ Thanh niên và gia đình Hungari có 40 người làm công tác thanh niên. Bộ máy thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính sách thanh niên được thành lập từ Trung ương tới địa phương và được bố trí cán bộ chuyên trách để thực hiện; đối với cấp xã, phường, thị trấn, thành phố nhỏ không bố trí cán bộ chuyên trách mà được đưa vào chương trình nghị sự của chính quyền cơ sở để thực hiện.
Còn ở Rumani, Bộ thanh niên và thể thao Rumani có chức năng: bảo đảm việc thực thi các chương trình của Chính phủ về lĩnh vực thanh niên và thể thao/đưa ra và thông qua các sáng kiến lập pháp để bảo đảm các mục tiêu của chiến lược của Bộ/bảo đảm đại diện cho Rumani các sự kiện quốc tế về thanh niên/ giám sát việc thực thi pháp luật khung về thanh niên/phối hợp với các bộ, ngành khác ở cấp trung ương và địa phương.
Tại Lithuania cũng có Cục Thanh niên thuộc Bộ Lao động và An ninh xã hội. Cục thanh niên có trách nhiệm chuẩn bị và thực hiện các chương trình chính sách thanh niên, các biện pháp, nghiên cứu điều kiện của thanh niên và các tổ chức thanh niên; phối hợp hoạt động các tổ chức nhà nước có liên quan thực hiện các vấn đề thanh niên; Cục có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.
Philippines có Ủy ban Quốc gia về Thanh niên là cơ quan thuộc Văn phòng Tổng thống. Ủy ban gồm: Chủ tịch, các Ủy viên (3 người đại diện 3 khu vực: Luzon, Midannao, Sayas, và 2 thành viên khác lựa chọn từ các tổ chức khác. Ủy ban có nhiệm kỳ 4 năm, do Tổng thống bổ nhiệm.
Botswana có Bộ Thanh niên, Thể thao và Văn hóa; Hội đồng Thanh niên quốc gia bao gồm các tổ chức phi chính phủ và tổ chức đại diện của lực lượng thanh niên ở các địa phương cũng chịu trách nhiệm tham mưu, giám sát.
Tại Pháp cũng có Hội đồng tư vấn chính sách thanh niên đặt dưới quyền của Thủ tướng, chịu trách nhiệm tham vấn cho Chính phủ chính sách về thanh niên hoặc các vấn đề liên quan đến thanh niên trong các dự thảo luật, quy định.
Cần có quy định bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách phát triển thanh niên
Xuất phát từ tổng kết quá trình thi hành Luật Thanh niên và nghiên cứu, khảo sát Luật thanh niên của một số quốc gia nêu trên, các đại biểu khẳng định, Luật Thanh niên (sửa đổi) lần này cần thiết phải có quy định về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách phát triển thanh niên để làm căn cứ cho Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách phát triển thanh niên.
Cụ thể, cần thiết kế thành 01 Điều trong Chương Quy định chung của Luật thanh niên (sửa đổi) với các nội dung:
Thứ nhất, Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên phải được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển thanh niên trong thời kỳ mới.
Thứ hai, Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên gồm nguồn ngân sách nhà nước, các khoản đóng góp, ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Cần có các cơ chế tài chính phù hợp cả bằng nguồn ngân sách cũng như xã hội hóa để hỗ trợ, thúc đẩy cho thanh niên và chính sách phát triển thanh niên.
Thứ ba, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm bảo đảm đủ nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án phát triển thanh niên của quốc gia và địa phương.
Thứ tư, Xây dựng, hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ thanh niên được chăm lo, bồi dưỡng, phát triển xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước./.