Tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1990. Việt Nam cũng đã hoàn thành trước hạn các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về trẻ em. Năm 2016, Luật Trẻ em ra đời trên cơ sở Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới; ghi nhận đầy đủ các quyền của trẻ em và tạo bước chuyển trong thực hiện quyền trẻ em.
Toàn cảnh hội nghị
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, thực tế công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập, nổi cộm là vấn đề xâm hại, bạo hành trẻ em đang diễn ra phức tạp, với nhiều vụ việc đau lòng.
Phó Trưởng Đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho biết, trên thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo báo cáo, số trẻ em bị xâm hại đang giảm dần từ năm 2015 đến năm 2018, nhưng lại tăng trong năm 2019. Trong số trẻ em bị xâm hại, phần lớn bị xâm hại tình dục chiếm 81%.
Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, trên thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp
Vấn nạn xâm hại trẻ em không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng cả về mặt thể chất và tinh thần đối với trẻ mà còn tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Có nhiều nguyên nhân khách quan khiến vấn nạn này gia tăng.
Theo Phó Trưởng Đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân như công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em chưa thực sự được quan tâm, đây đó còn tồn tại những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em; ý thức chấp hành, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm; hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em có lúc, có nơi bị bỏ lọt, bỏ qua, chậm bị xử lý; các loại thông tin, ấn phẩm, sản phẩm độc hại, không phù hợp, đặc biệt trên môi trường mạng, thông qua con đường du lịch trong thời gian dài không được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời và không được xử lý triệt để; gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em, chậm được bổ sung kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em....
Là nhóm xã hội yếu thế, ít khả năng tự vệ nhất, Phó Trưởng Đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội, bao gồm các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức hữu quan, gia đình và cá nhân và chính bản thân của trẻ em.
Nâng cao nhận thức là quan trọng
Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, trên thực tế, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình nạn nhân không cung cấp thông tin, tố giác vì e ngại ảnh hưởng; bị thủ phạm đe dọa dùng tiền để hòa giải…
Các đại biểu cho rằng, ở nhiều địa phương còn chưa giáo dục đầy đủ về nguy cơ, kỹ năng phòng ngừa từ gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội. Một nguyên nhân khác là lỗ hổng pháp lý khi thiếu quy định rõ ràng về hành vi dâm ô, khiêu dâm trẻ em khiến nhiều thủ phạm không bị xử lý thích đáng, thậm chí nhởn nhơ và coi thường pháp luật.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Theo nhiều chuyên gia, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó phải tăng cường việc thực thi pháp luật, chính sách về trẻ em. Giải pháp hiệu quả nhất là thực hiện tốt, đầy đủ tất cả chính sách và khung pháp lý mà chúng ta đang có… Nếu cơ quan chức năng làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình thì tình trạng xâm hại trẻ em có thể cải thiện hơn rất nhiều.
Mặt khác, rất cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của nhà trường, các tổ chức xã hội, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, các biện pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em thật sự chuyển hóa thành nhận thức và hành động cụ thể.
Để bảo vệ trẻ em, các đại biểu cho rằng việc quan trọng là phải thay đổi nhận thức trong mỗi cá nhân. Trước hết mỗi cá nhân trẻ và gia đình cần dũng cảm tố giác tội phạm để lấy lại công bằng cho chính mình và những trẻ em khác. Cộng đồng xã hội cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, giám sát, kiểm tra thực thi pháp luật liên quan tới quyền trẻ em của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự rèn luyện - bảo vệ - ứng phó nhằm giúp học sinh hiểu biết, nhìn nhận vấn đề và giải quyết trong từng hoàn cảnh cụ thể./.