CHƯA BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ TRONG HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

23/03/2020

Tại phiên họp Thẩm tra sơ bộ do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức vừa qua, Bộ Y tế cho biết, qua tổng kết 09 năm thi hành, một trong những hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định lĩnh vực này còn chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

 

Đại diện Bộ Y tế báo cáo một số nội dung

Theo đại diện Bộ Y tế cho biết, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh được ban hành với nhiều hình thức và cấp có thẩm quyền ban hành khác nhau. Các văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng bảo đảm tính thống nhất pháp lý theo trình tự hiệu lực pháp lý trên cơ sở của đạo luật gốc là Hiến pháp để quy định, điều chỉnh các quan hệ xã hội về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh không có văn bản nào mâu thuẫn với Hiến pháp tức là không xuất hiện các xung đột pháp luật. Luật Khám bệnh, chữa bệnh được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, liên tịch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hoá những quy định mang tích nguyên tắc của Luật. Có thể nói, về cơ bản hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh đã bảo đảm tính thống nhất pháp lý, hoàn chỉnh và đồng bộ.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh không có văn bản nào mâu thuẫn với Hiến pháp cũng như Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhưng hệ thống văn bản này vẫn còn một số tồn tại, bất cập sau:

Thứ nhất, một số văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh chưa bảo đảm tính thống nhất đồng bộ với nhau. Cụ thể, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải qua giai đoạn thực hành nhưng lại không quy định rõ việc thực hành trong các trường hợp điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trên chứng chỉ hành nghề nên khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, do không có chuẩn đào tạo thực hành cũng như chuẩn năng lực đầu ra đối với người thực hành nên việc chứng nhận thực hành hầu hết là chung chung, không đánh giá được thực chất năng lực của người thực hành. Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề của nước ngoài nhưng lại không quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thừa nhận cũng như không giao cơ quan nào hướng dẫn về vấn đề này.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú đều phải lập hồ sơ bệnh án (Điều 59). Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế mới chỉ quy định mẫu hồ sơ bệnh án áp dụng cho bệnh viện tại Quyết định số 4069/2001/QĐ-BYT và mẫu hồ sơ bệnh án y học cổ truyền tại Quyết định số 4604/QĐ-BYT ngày 29/11/2010 mà chưa có hướng dẫn mẫu hồ sơ bệnh án áp dụng cho phòng khám đa khoa và trạm y tế. Bên cạnh mẫu hồ sơ bệnh án khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế còn quy định mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh. Việc thực hiện nhiều loại biểu mẫu hồ sơ với nội dung trùng lặp đã gây khó khăn, tốn kém cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, tại Điều 15 Thông tư số 41/2015/TT-BYT ngày 16/10/2015 quy định phạm vi hành nghề của bác sỹ đa khoa tuyến huyện là: "Đối với bác sĩ tại tuyến huyện và tuyến xã, nếu tốt nghiệp bác sĩ đa khoa sẽ ghi là khám bệnh, chữa bệnh đa khoa". Nhưng đến nay, vẫn chưa có văn bản quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ đa khoa là được khám bệnh, chữa bệnh những chuyên khoa nào và được thực hiện những kỹ thuật nào? Việc phân tách phân tuyến kỹ thuật kỹ thuật và phân loại phẫu thuật, thủ thuật thành 02 văn bản riêng biệt (Thông tư số 43/2013/TT-BYT và Thông tư số 50/2014/TT-BYT) đã gây khó khăn cho cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh vì sẽ phải tra cứu nhiều văn bản cùng lúc để xác định tuyến chuyên môn, xếp loại phẫu thuật/ thủ thuật đối với kỹ thuật đó rồi mới có thể hoàn thiện các thành phần sơ khác để đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BYT ngày 03/4/2015 quy định chi tiết điều kiện, thủ tục cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh.

Hơn nữa, số lượng kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT gồm 17.216 kỹ thuật cho cả 04 tuyến là quá lớn. Trong đó, có nhiều kỹ thuật xuất hiện ở nhiều chuyên khoa khác nhau, có các mã khác nhau nhưng về bản chất là một kỹ thuật, hoặc danh mục chuyên Nhi hầu hết là lặp lại tên danh mục kỹ thuật của các chương khác; danh mục kỹ thuật của chương gây mê hồi sức trong lặp lại với khoa ngoại. Từ các lý do này, dẫn đến danh mục kỹ thuật của các đơn vị sẽ được duyệt lớn hơn danh mục thực tế thực hiện. Văn bản quy định về giá dịch vụ y tế không đáp ứng đủ theo tên các danh mục kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt: Khi Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc được ban hành thì đã không đủ các danh mục kỹ thuật so với Thông tư số 43/2013/TT-BYT, kể cả 06 lần Bộ Y tế ban hành các quyết định phiên tương đương để áp dụng giá của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC thì cũng mới đáp ứng được 8.984/17.216 danh mục kỹ thuật.

Tiếp tục đến Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp thì cũng chỉ có mã cho 1.900 danh mục cộng với quyết định phiên tương tương của 9.190 danh mục kỹ thuật. Số danh mục không hoặc chưa được phiên tương đương đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là trong việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Toàn cảnh cuộc họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Thứ hai, một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định thời gian thực hành là 18 tháng đối với bác sỹ, 09 tháng đối với điều dưỡng, trong khi đó Luật Lao động chỉ quy định chung về thời gian tập sự là 12 tháng. Điều này dẫn đến việc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ ký hợp đồng đối với người có chứng chỉ hành nghề và sau đó người này lại vẫn phải tập sự 12 tháng. Hoặc có nhiều trường hợp đã ký hợp đồng và hoàn thiện thời gian tập sự nhưng sau đó người đó không được cấp hoặc bị chậm cấp chứng chỉ hành nghề nên không thể sử dụng nhân sự.

Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định việc phân tuyến kỹ thuật nhưng Luật Bảo hiểm y tế lại quy định việc áp dụng giá theo hạng bệnh viện nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong các trường hợp cơ sở tuyến dưới nhưng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép thực hiện kỹ thuật của tuyến trên. Ngoài ra, việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tại Điều 10 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn mâu thuẫn, không thống nhất, còn chồng chéo. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy định việc phân tuyến kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Trên cơ sở chỉ ra được những vướng mắc, bất cập trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là việc đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, Bộ Y tế nêu rõ, cần thiết xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý./.

Hồ Hương

Các bài viết khác