Tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự quan tâm về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa của dự án Luật).
Theo đó, một số ý kiến đề nghị không quy định về hộ kinh doanh tại dự án Luật mà ban hành một Nghị định về hộ kinh doanh vì tính chất và quy mô kinh doanh của hộ kinh doanh rất khác doanh nghiệp. Nếu việc luật hóa hộ kinh doanh chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện nay.
Một số ý kiến khác đồng tình việc đưa hộ kinh doanh vào quy định tại Luật Doanh nghiệp để có cơ sở ban hành các chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, nhưng đề nghị sửa đổi tên Luật thành Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đồng thời đề nghị chương về hộ kinh doanh cần quy định toàn diện, đầy đủ và giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay. Có ý kiến đề nghị ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đề nghị cần có một chương về đưa hộ kinh doanh vào quy định trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật và yêu cầu cần có một Luật riêng. Vì vậy, việc có đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp hay không cần có sự xem xét kỹ.
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nhưng hoạt động gần giống như doanh nghiệp siêu nhỏ. Đến nay, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và Ủy ban Kinh tế cho rằng cần luật hóa việc về hộ kinh doanh tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện chưa đưa hộ kinh doanh vào một trong một Luật riêng được vì cần thêm thời gian nghiên cứu nhưng nên làm. Bởi vì điều này có lợi cho các hộ kinh doanh và có lợi cho nền kinh tế, không chồng chéo với các luật khác.
Về vấn đề doanh nghiệp nhà nước (Điều 87a của dự thảo Luật) quy định doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm tại Phiên họp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã có quyền quyết định, đảm bảo chi phối của Nhà nước. Phương án doanh nghiệp Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ là hợp lý, tương thích với các luật khác hiện nay.
Còn ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu ý kiến: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là đúng quy định và nên nắm giữ 51% vốn điều lệ. Điều này là hợp lý để quản lý doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, chúng ta cần có doanh nghiệp cùng với Chính phủ tham gia điều phối, điều hành các hoạt động kinh tế.
Chưa nên để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán trái phiếu riêng lẻ
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, nếu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát hành trái phiếu riêng lẻ thì rủi ro rất lớn. Vốn của của doanh nghiệp khởi nghiệp thường rất ít nên nếu có sự cố gì sẽ ảnh hưởng tới thị trường kinh tế chung. Để rộng đường ý kiến về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần lắng nghe thêm tiếng nói, ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp trẻ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp.
Tán thành với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng thời điểm hiện tại chưa nên để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán trái phiếu riêng lẻ, vì doanh nghiệp này thường gồm một vài người chung vốn làm ăn nhưng vốn đầu tư không nhiều. Để cho họ phát hành trái phiếu riêng lẻ thì rủi ro tương đối lớn nếu việc kinh doanh, làm ăn của họ gặp vấn đề thì sẽ tác động tới thị trường chung.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với những nội dung đưa ra trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và yêu cầu Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng sự xung đột, mâu thuẫn của Luật Doanh nghiệp với các luật khác. Về việc đưa hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí nên đưa ra 2 vấn đề còn ý kiến khác để Quốc hội thảo luận. Đối với vấn đề doanh nghiệp nhà nước cần bám vào Nghị quyết Trung ương 5: nhà nước nắm cổ phần, có quyền biểu quyết và chi phối được./.