ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

06/11/2019

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 06/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh xoay quanh công tác phòng chống gian lận thương mại.

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn

Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho biết, hiện nay, tình hình sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. Bên cạnh đó, thời gian gần đây còn có hiện tượng hàng hoá Trung Quốc được gắn nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu tiêu dùng diễn ra nhiều nơi. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, hàng hoá đó đi vào con đường nào mà nhập vào Việt Nam và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ trách nhiệm của mình khi để xảy ra tình trạng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đang có nguy cơ bị gian lận xuất xứ và giải pháp nào để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này?

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã rất chủ động để xây dựng các Đề án lớn về phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ cũng như chống truyền tải bất hợp pháp trong các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư tại Việt Nam với những nội dung rất cụ thể, 5 nhóm nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành để thực hiện việc này.

Trong đó, Bộ Công Thương đã chủ động có cơ chế chính sách để thông báo kịp thời cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các tỉnh để quản lý chặt chẽ hơn và khuyến nghị để kiểm soát hoạt động đầu tư, tránh chuyển tải bất hợp pháp. Đối với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cũng đã có danh sách của các cảnh báo sớm các nguy cơ gian lận thương mại trong một số mặt hàng. Ví dụ hiện nay có tới 25 mặt hàng chúng ta có xuất khẩu đi Hoa Kỳ và các nước khác đang có nguy cơ bị lợi dụng, trong đó có những mặt hàng rất cao như điện tử, gỗ dán, dệt may, da giày… Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, có thể nói là chúng ta không chậm trễ và không gây ra những tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ chính thức của chúng ta đối với các đối tác.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn

Mới đây nhất, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng cho phép xây dựng Thông tư cho tạm dừng việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu cũng như chuyển tải xuất khẩu các mặt hàng gỗ dán đi Hoa Kỳ vì đây là mặt hàng có tăng trưởng lên tới hơn 400% trong thời gian vừa qua, đã gây nguy cơ lớn cho câu chuyện gian lận thương mại và gian lận xuất xứ đi Hoa Kỳ. Đồng thời một mặt khác, Bộ cũng đang tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng tổ chức khuyến nghị cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cảnh báo về nguy cơ bị trừng phạt thương mại cũng như bị áp thuế trong các mặt hàng khác, vì có rất nhiều những sản phẩm là của các nước khác bị áp thuế của Hoa Kỳ, EU và nhiều nước cả về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nên họ tìm cách lợi dụng sản phẩm có xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu đi những nước này, tránh bị áp thuế. Vì vậy việc cảnh báo cung cấp thông tin kịp thời cho Hiệp hội ngành hàng là những nội dung rất cần thiết và Bộ Công thương cũng đang triển khai trong thời gian vừa qua.

Tại phiên chất vấn về lĩnh vực công thương, các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình rõ việc hoàn thiện khung pháp lý về dán nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, các cơ chế phòng vệ thương mại...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, đề nghị Bộ trưởng cần giải trình rõ hơn về lỗ hổng rất lớn về pháp luật khi để xảy ra tình trạng này. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là do hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt là sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào. Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề này. Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra. Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn này?

Theo chương chình, sáng ngày 07/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ tiếp tục trả lời các chất vấn các đại biểu Quốc hội./.

Thu Phương- Nghĩa Đức