SẼ LẤY Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ VIỆC LÙI THỜI GIAN THU TỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC

04/11/2019

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thảo luận về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Thảo luận tại phiên họp toàn thể hội trường, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước; làm rõ khái niệm “Lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước"; đưa nội dung lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước vào Nghị quyết kỳ họp thứ 8; về đề nghị lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trong giai đoạn này đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về phương diện pháp lý, đại biểu cho rằng không nên đặt vấn đề lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với nội dung, câu chữ như Chính phủ đã đề xuất. Bởi vì việc lùi thời gian thực hiện quy định của pháp luật chỉ đặt ra khi quy định đó chưa có hiệu lực pháp luật, không thể lùi thời gian thực hiện quy định của pháp luật khi quy định đó đã có hiệu lực từ rất lâu rồi.

Mặt khác, việc quy định như Chính phủ đề xuất về bản chất là sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước, tuy nhiên việc sửa đổi, bổ sung luật chỉ đặt ra khi quy định của luật sai, không đáp ứng được hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng trong trường hợp này, quy định nêu trên của hai đạo luật là hết sức đúng đắn và phù hợp.

Do đó, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Quốc hội thay vì "cho lùi" chuyển thành "cho miễn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước" cho các doanh nghiệp trong giai đoạn từ khi Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước có hiệu lực cho đến thời điểm các nghị định quy định chi tiết hai đạo luật này có hiệu lực.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ 

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho rằng việc khai thác khoáng sản, tài nguyên nước vẫn diễn ra, mang lại nguồn thu thật, tiền thật cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác nên việc phải nộp ngân sách là bình thường. Hơn nữa, việc thu cấp quyền khai thác được ban hành để ngăn chặn tình trạng thất thu từ khoáng sản, tài nguyên nên không thể miễn thu khoản thu này chỉ vì lý do Chính phủ chậm ban hành nghị định. Đồng thời, đây cũng là dịp để khẳng định sẽ cương quyết xử lý trường hợp ban hành văn bản hướng dẫn luật chậm để đảm bảo quyền lợi cho các bên được điều chỉnh bởi văn bản, nhiều khi là người dân, hộ nghèo, ngân sách nhà nước hoặc vấn đề quan trọng để phát triển đất nước.

Đại biểu cũng đề nghị trên cơ sở rà soát số phải thu, số không thu được, nguyên nhân không thu được, đôn đốc số thu được vào ngân sách, xác định hệ quả xấu gây ra đối với sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế khi thu các khoản cấp quyền này, Chính phủ cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan báo cáo kết quả xử lý trước Quốc hội.

Đại biểu Mai Hồng Hải – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, thì cho rằng khái niệm “lùi thời hạn thu tiền” là chưa hợp lý, đồng thời việc “miễn thu” với các khoản tiền cấp quyền khai thác này cũng khó có thể thực hiện. Đại biểu lý giải, theo quy định tại Điều 79 và Điều 80 Luật Quản lý thuế, để tiến hành miễn khoản tiền thu vào ngân sách sẽ phải xác định được tiền và có hồ sơ trình cấp có thẩm quyền làm thủ tục miễn. Tuy nhiên, ở thời điểm trước khi các nghị định của Chính phủ có hiệu lực chưa có phương thức, mức thu nên không thể xác định được số tiền cần thu. Hay nói cách khác, không đủ điều kiện để làm thủ tục miễn các khoản thu này cho doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam 

Đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề này, đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho rằng Quốc hội có thể ra  nghị quyết kéo dài hoặc có thể rút ngắn lại thời hạn thi hành một số luật mà Quốc hội đã thông qua. Theo đó, lùi thời hạn có hiệu lực pháp luật của khoản 1 Điều 77 và khoản 3 Điều 88 của Luật Khoáng sản và lùi thời hạn có hiệu lực pháp luật của khoản 1 Điều 65 và khoản 2 Điều 37 của Luật Tài nguyên nước. Theo đại biểu, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề không triển khai hành thu những khoản tiền không có khả năng thu. Đồng thời, vừa bảo đảm được nguyên tắc luật có hiệu lực là phải thi hành, vừa giữ được nguyên tắc nghị định không thể cao hơn luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã cam kết sẽ chuẩn bị kỹ hơn trong phần giải trình về nội dung này để gửi lại Quốc hội trước khi đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Tám.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước tại một kỳ họp hay hai kỳ họp; có đồng ý việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước hay không.

Bảo Yến