Ủy ban Tư pháp điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp

12/03/2011

Ngày 10.3, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức phiên điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu tới dự.

 

Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao...

 

Báo cáo về thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, hoạt động đào tạo nghề cho các chức danh tư pháp còn khá mới ở nước ta nên công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn. Chất lượng của một số khóa đào tạo của Học viện Tư pháp chưa đồng đều, nhất là so với yêu cầu của các cơ quan sử dụng cán bộ; chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các ngành hữu quan trong việc đánh giá chất lượng đào tạo; số lượng cán bộ được các cơ quan cử đi đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là do thời gian các khóa học ngắn nên việc trang bị kiến thức nghề nghiệp chuyên sâu, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho các học viên còn ít. Bên cạnh đó, đến nay, các cơ quan tư pháp cũng chưa thống nhất nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc tập trung đầu mối đào tạo các chức danh tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Bộ Tư pháp kiến nghị: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục cử cán bộ theo học khóa đào tạo Kiểm sát viên và Thẩm phán tại Học viện Tư pháp; phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Tư pháp trong tất cả các khâu đào tạo cán bộ tư pháp, từ xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo đến bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo...

 

Tuy nhiên, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tại phiên điều trần đều cho rằng, Học viện Tư pháp chỉ nên đào tạo nguồn cán bộ cho các cơ quan tư pháp còn khi các cán bộ này đã được các cơ quan tư pháp tuyển dụng thì việc đào tạo nghề nên giao cho chính các cơ quan này đảm nhận. Trên thực tế, các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đều đủ khả năng đào tạo các chức danh tư pháp cho ngành mình.

 

Theo các thành viên Ủy ban Tư pháp, quan điểm về đào tạo cán bộ tư pháp và các chức danh tư pháp đã được nêu rất rõ tại Nghị quyết sốë 08 và Nghị quyết sốë 49 về cải cách tư pháp của Bộ Chính trị. Vậy tại sao, các cơ quan tư pháp lại chưa thống nhất nhận thức về vấn đề này? Các cơ quan tư pháp đều khẳng định có đủ năng lực đào tạo chức danh tư pháp cho ngành mình nhưng Báo cáo tổng kết của chính các cơ quan này năm nào cũng thừa nhận, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu. Các cơ quan tư pháp cần nhìn thẳng vào những hạn chế, vướng mắc trong công tác đào tạo cán bộ tư pháp và chức danh tư pháp hiện nay. Nếu công tác đào tạo cán bộ tư pháp làm nguồn bổ nhiệm cho các cơ quan tư pháp của Học viện Tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu thì nguyên nhân là do tổ chức đào tạo hay là do sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp chưa chặt chẽ? Nhiều ý kiến tại Phiên điều trần cho rằng, vấn đề không phải là thẩm quyền đào tạo cán bộ tư pháp và chức danh tư pháp thuộc về ai mà là làm thế nào để đào tạo được đội ngũ cán bộ tư pháp có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp và đòi hỏi của công tác tư pháp trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới.

P. Thúy

(http://daibieunhandan.vn)