Ban Dân nguyện tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nhiệm kỳ QH Khóa XII

27/01/2011

* Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Huỳnh Ngọc Sơn tới dự

Ngày 25.1, dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Trần Thế Vượng, Ban Dân nguyện – UBTVQH đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác của Ban nhiệm kỳ QH Khóa XII (2007 - 2011).

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn tới dự

 

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; đại diện các bộ, ngành và cơ quan liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý các hoạt động dân nguyện...

 

Theo Báo cáo tổng kết công tác của Ban Dân nguyện, trong nhiệm kỳ QH Khóa XII, công tác dân nguyện được triển khai thực hiện thường xuyên và đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tích chung trong hoạt động của QH. So với nhiệm kỳ QH Khóa XI, công tác tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri đã được cải tiến đáng kể, chất lượng được nâng lên từng bước. Đáng chú ý, thực hiện nhiệm vụ giúp UBTVQH giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII, Ban Dân nguyện đã đề xuất và được UBTVQH giao chuẩn bị báo cáo của UBTVQH về tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri. Từ kết quả của bước thử nghiệm này, từ Kỳ họp thứ Sáu đến nay, Ban Dân nguyện đã giúp UBTVQH giám sát, báo cáo kết quả giám sát với UBTVQH và chuẩn bị báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Ngoài việc đánh giá khá toàn diện về việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các Báo cáo về kết quả giám sát còn đi sâu phân tích một số nội dung mà cử tri còn bức xúc và đã kiến nghị trong nhiều Kỳ họp QH để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Hoạt động này được đông đảo cử tri và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; bước đầu khắc phục dần tình trạng trả lời cử tri mang tính hình thức, đề cao được trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với cử tri và nhân dân cả nước.

 

Tuy nhiên, so với yêu cầu và mong muốn của cử tri thì việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân nguyện trong nhiệm kỳ qua còn có những hạn chế nhất định, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội, nhất là trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền của công dân trên thực tế.

 

Ban Dân nguyện kiến nghị, trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII, công tác dân nguyện của QH cần được đặc biệt quan tâm và đề cao hơn nữa. Để từng bước giúp QH thực hiện tốt công tác dân nguyện, trong nhiệm kỳ tới, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan giúp QH thực hiện công tác dân nguyện, bảo đảm tính chuyên sâu, tập trung vào một đầu mối. Cơ quan này phải có địa vị pháp lý phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn, cụ thể là cần nghiên cứu thành lập Ủy ban dân nguyện của QH trên cơ sở nâng cấp Ban Dân nguyện của UBTVQH.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá cao chất lượng việc thực hiện công tác dân nguyện của QH trong thời gian qua; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; qua đó phản ánh với Đảng và Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; tất cả vì lợi ích của nhân dân. Với vai trò là cơ quan chuyên môn của UBTVQH, có trách nhiệm giúp UBTVQH về công tác dân nguyện, Ban Dân nguyện đã giúp UBTVQH, QH thực hiện có hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng như công tác tập hợp, tổng hợp, xử lý và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Phó chủ tịch QH ghi nhận kiến nghị của Ban Dân nguyện và cho rằng, để giải quyết được công việc của dân, các ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân thì đòi hỏi người cán bộ dân nguyện phải có bản lĩnh, trình độ và năng lực; phải có sự hiểu biết đầy đủ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

T. Bình

(http://daibieunhandan.vn)