Ủy ban Pháp luật tổng kết công tác nhiệm kỳ QH Khóa XII

11/01/2011

Ngày 10.1, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác của Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ QH Khóa XII (2007 – 2011).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu tới dự.

 

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của QH...

 

Theo Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban, trong nhiệm kỳ QH Khóa XII, Ủy ban Pháp luật tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của QH, UBTVQH.  Tại nhiệm kỳ này, Ủy ban Pháp luật đã chủ trì thẩm tra 22 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh, 3 dự thảo Nghị quyết, 4 Tờ trình của Chính phủ... Đặc biệt, có nhiều dự án lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, có nhiều vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Viên chức... Với tinh thần trách nhiệm cao, Ủy ban Pháp luật đã tập trung trí tuệ và thời gian để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban đều có chất lượng, có tính phản biện cao, với cơ sở thực tiễn và cơ sở lý luận chặt chẽ. Bên cạnh đó, dù khối lượng công tác xây dựng pháp luật phải đảm nhiệm rất lớn, nhưng Ủy ban Pháp luật cũng cố gắng thực hiện tốt công tác giám sát. Bởi thông qua hoạt động này, Ủy ban có thêm thông tin thực tế hữu ích cho hoạt động lập pháp, phục vụ trực tiếp cho việc thẩm tra và chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Ngoài ra, Ủy ban cũng tham gia thẩm tra với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH; tổ chức trao đổi kinh nghiệm với các nước bạn về những vấn đề quan trọng; rà soát, chỉnh lý về mặt kỹ thuật với những văn bản quy phạm pháp luật của QH, UBTVQH...

 

Ủy ban Pháp luật xác định, công tác xây dựng pháp luật phải có chất lượng cao, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao và sớm đi vào cuộc sống. Do vậy, để vừa tăng được số lượng và chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật thì tính chuyên nghiệp trong hoạt động lập pháp phải cao, định hướng chính sách phải rõ ràng ngay từ khâu đề xuất xây dựng luật, pháp lệånh. Đối với từng dự án luật, pháp lệnh, Chính phủ cần tổ chức thảo luận, quyết định chính sách, sau đó mới giao cho các bộ, ngành soạn thảo. Đồng thời, quy trình lập pháp phải khoa học, chặt chẽ và ổn định. Cần coi việc đầu tư cho hoạt động xây dựng pháp luật là đầu tư cho phát triển. Do Ủy ban Pháp luật có thêm một mảng công việc quan trọng là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật nên cần bố trí thêm thành viên hoạt động chuyên trách, tăng thêm số Phó chủ nhiệm Ủy ban...

P. Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)