ĐÁNH GIÁ SAU 3 NĂM XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 5 NĂM QUỐC GIA

17/10/2018

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp UBTVQH thứ 28, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá, sau 3 năm việc xây dựng và thực hiện, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã thu được một số kết quả bước đầu quan trọng; tuy nhiên nhiều chỉ tiêu về thu, chi ngân sách vẫn chưa được như mong muốn.

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải thẩm tra báo cáo

Tại phiên họp, đánh giá giai đoạn 2016 - 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ trong và ngoài nước nhưng nền kinh tế Việt nam đã và đang chuyển biến theo hướng tích cực, vượt qua đà suy giảm của giai đoạn 2011-2015.

Việc thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đạt một số kết quả bước đầu

Giai đoạn 2016-2018 là những năm đầu của lần đầu tiên thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia theo quy định của Luật ngân sách nhà nước 2015. Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 -2020 đã đề ra mục tiêu tổng quát, 9 nhiệm vụ, giải pháp và một số mục tiêu cơ bản cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá, kết quả sau 3 năm thực hiện cho thấy, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã thu được một số kết quả bước đầu quan trọng: Việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập ngân sách hàng năm có sự gắn kết chặt chẽ cùng hướng tới mục tiêu chung; đảm bảo tính kế thừa, tiếp nối giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách các năm; tạo sự kết nối giữa chi tiêu của các ngành với kế hoạch tổng thể của địa phương, đáp ứng tính liên tục trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) được siết chặt; hạn chế việc tùy tiện điều chỉnh dự toán, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng từng bước được chú trọng và tăng cường hơn; Bước đầu tạo tính chủ động cho các bộ, ngành trong việc dự báo khả năng thu ngân sách và nhu cầu chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành được giao. Hơn nữa, đã có cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong quản lý thu, chi NSNN; công tác kế toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách; quản lý tài sản công được đẩy mạnh, có hiệu quả; công khai, minh bạch ngân sách có chuyển biến tích cực.

Kết quả thu NSNN chưa được như mong muốn

Tổng thu NSNN 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm. Thu NSNN từng năm 2016, 2017 và 2018 đều đạt và vượt dự toán. Tuy nhiên, qua xem xét số liệu cho thấy, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hụt thu trong 2 năm 2016, 2017. Năm 2018, về tổng thu NSNN dự kiến đạt dự toán, nhưng nếu loại trừ nguồn thu từ dầu, từ thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thì ngân sách trung ương tiếp tục hụt thu năm thứ ba và có khoảng 10 địa phương dự kiến thu nội địa không đạt dự toán. Đáng lưu ý là số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi NSNN. Mặt khác, nếu loại trừ số thu từ đất và thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước và tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp thì số ước thực hiện dự toán thu nội địa các năm 2017, 2018 và dự toán năm 2019 có tốc độ tăng thấp so với năm 2016.

Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần phân tích, đánh giá nguyên nhân số thu nội địa tăng chậm, hụt dự toán trong những năm gần đây để có các giải pháp khắc phục hợp lý; đồng thời, để xây dựng dự toán thu NSNN các năm sau khả thi hơn, tránh tình trạng nhiều địa phương không đạt dự toán thu như thời gian qua.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2011-2015 và có bước phục hồi từ năm 2016 nhưng chất lượng, hiệu quả và năng suất lao động tăng chậm; năm 2017, tăng trưởng kinh tế tiếp tục đã phục hồi song việc điều chỉnh chính sách thu, công cụ điều tiết các khoản thu chậm đổi mới nên kết quả thu NSNN chưa được như mong muốn; mặt khác còn thể hiện công tác xây dựng và giao dự toán chưa chú trọng thực sự đến công tác phân tích, đánh giá và nhận định các yếu tố tác động; do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, khắc phục những tồn hạn chế nêu trên; đồng thời, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo nguồn thu, để xây dựng dự toán thu chắc chắn, bảo đảm cân đối chung trong Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

Toàn cảnh phiên họp

Sự chuyển dịch cơ cấu chi NSNN chưa thật mạnh mẽ

Theo báo cáo của Chính phủ, Chi NSNN 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,39% kế hoạch 5 năm; cơ cấu chi ngân sách khá tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25-26%. Tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh nguồn lực NSNN còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây nói chung, năm 2017 nói riêng chưa sát với yêu cầu thực tiễn; đồng thời, việc trình phương án sử dụng số tiết kiệm chi chậm so với thời gian quy định; vướng mắc trong thực hiện vốn đầu tư công trung hạn đối với một số khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư theo Luật Đầu tư công, không giải ngân được và cũng không thể chuyển nguồn theo Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Thứ hai, việc triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm.

Thứ ba,  cơ cấu chi NSNN có chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi NSNN. Năm 2019, tỷ trọng chi thường xuyên khoảng hơn 63% tổng chi, tỷ trọng chi đầu tư: 26,3%. Tỷ lệ này góp phần bảo đảm mục tiêu cơ cấu chi đầu tư - chi thường xuyên theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020. Tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ, trong bối cảnh thu NSNN còn khó khăn, nhiệm vụ chi lương và bảo đảm các chính sách an sinh - xã hội ngày càng nhiều, xã hội hóa đầu tư gắn với việc thực hiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực sự nghiệp công lập chậm triển khai, làm tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh, đòi hỏi phải có những tính toán căn cơ, tiết kiệm chi thường xuyên triệt để, bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại chi NSNN.

Thứ tư, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/ năm. Ủy ban TCNS đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong nỗ lực tăng lương các năm 2017, 2018. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lương trong các năm gần đây chưa có lộ trình cụ thể, đã tạo áp lực lớn cho cân đối NSNN, việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập sẽ kéo theo chi thường xuyên khó giảm tỷ trọng trong tổng chi NSNN.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối NSNN bền vững và chắc chắn, không nên tăng lương bằng mọi giá, có thể dẫn đến nguy cơ làm thay đổi bản chất của NSNN: từ ngân sách phát triển chuyển thành ngân sách nặng chi cho tiêu dùng, gây áp lực lớn cho cân đối ngân sách các năm tiếp theo.

 

 

Hồ Hương