UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016-2020

15/10/2018

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, sáng ngày 15/10, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp

Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các Bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã thực hiện với trách nhiệm cao và thực chất các chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đã có sự chuyển biến cả về tư duy, và theo đó là quyết tâm và hành động cụ thể, trong trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, với việc tập trung vào chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy các trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân; cơ cấu lại các ngành kinh tế; hành động quyết liệt đi liền với giám sát chặt chẽ cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai và theo dõi giám sát về thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới cần tiếp tục được chú trọng và đổi mới, để tiếp tục tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế trên cả nước, qua đó các Bộ, ngành, địa phương chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2018, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP; Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu; Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của khai khoáng; Vai trò của khu vực tư nhân gia tăng; Hệ số tiêu hao năng lượng được cải thiện đáng kể, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trong giai đoạn 2019 - 2020, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quyết liệt và thực chất các chính sách và nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phải coi đây là một trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; và việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về cơ cấu lại nền kinh tế sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững trong giai đoạn 2019 -2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu về cơ cấu lại nền kinh tế đến nay cho thấy nhiều kết quả tích cực. Trong số 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24, có 4 nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thị trường tài chính đạt kết quả khả quan. Theo đó, 41% các chỉ tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24 dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của nước ta so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Đồng thời Ủy ban Kinh tế tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, vướng mắc khi triển khai, đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ như: xử lý nợ xấu; thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao vốn về SCIC; cơ cấu lại ngân sách nhà nước; thực hiện quá trình đô thị hóa. Một số nhiệm vụ được thực hiện nhưng chưa thực sự phù hợp với tinh thần, quan điểm cải cách tại Nghị quyết số 24 của Quốc hội mà mới chỉ được cải thiện hơn so với giai đoạn trước; một số nhiệm vụ đã được triển khai nhưng kết quả khó đo lường, chưa thấy rõ như: phát triển nguồn nhân lực, phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới, cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập. Vì vậy, đề nghị cần xây dựng bộ chỉ tiêu để đánh giá cụ thể, toàn diện kết quả cơ cấu lại nền kinh tế. Có ý kiến đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan của việc có 16,7% nhiệm vụ hiện đã triển khai nhưng chưa đáp ứng về thời gian và kết quả.

Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2019-2020, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu sau: Bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; Rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24 và theo dõi, bám sát tình hình thực hiện; triển khai áp dụng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá kết quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Có ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, một số chính sách được triển khai khá tốt như: hoàn thiện thể chế kinh tế; cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kết cấu hạ tầng. Cụ thể, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá kết quả cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển hướng tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao hơn như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm sạch; mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao xuất hiện, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp gia tăng, chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao. Thành công trong lĩnh vực nông nghiệp đã làm cho cử tri và nhân dân cả nước rất phấn khởi và tin tưởng vào những điểm sáng về kinh tế.../.

Hồ Hương