VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG LÀ KIỂM SOÁT DÒNG TIỀN VÀ TÀI SẢN TRÊN CƠ SỞ PHÁP LÝ

10/09/2018

Tiếp tục thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tại phiên họp thứ 27, một số thành viên Ủy ban Thường vụ chỉ ra rằng, vấn đề cơ bản của phòng, chống tham nhũng là kiểm soát dòng tiền và tài sản trên cơ sở pháp lý.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng 02 phương án gồm: Thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (phương án 1) và thu thuế thu nhập cá nhân (phương án 2) bảo đảm có căn cứ, phù hợp với thực tiễn, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 07/9/2018 trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ, đạo luật này cần làm tốt hai việc: đảm bảo tính khả thi, tính thống nhất trong nội bộ; các quy định đủ rõ, thực hiện được ngay và phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với các đạo luật., Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng nhấn mạnh, vấn đề gốc của phòng, chống tham nhũng là kiểm soát dòng tiền và tài sản trên cơ sở pháp lý. Do đó nếu xử lý bằng chính sách thuế thì sẽ gọn hơn, theo tinh thần cải cách và Chính phủ điện tử; còn việc xử lý hành chính là do quy định về nội bộ, về phía Đảng thì Đảng quy định, bên chính quyền thì chính quyền quy định. Thực tế như cách làm rất cũ hiện nay thì việc kê khai tài sản 5, 6 trang, nhưng nhìn vào bảng kê khai tài sản thì gần như không có gì; cơ quan kiểm soát tài sản cũng không giải quyết được. Do đó, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị phải minh bạch trong tất cả những quy định này, không vội vàng, bình tĩnh, thận trọng, đạt được tính thống nhất cao trong nội bộ và các quy định đảm bảo tính khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho ý kiến về Dự luật

Cho ý kiến về Dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã có quyết tâm, sớm trình ra dự án luật này để Quốc hội thông qua. Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, công tác phòng, chống tham nhũng là việc làm thường xuyên, liên tục, quốc gia nào cũng phải chống tham nhũng. Kể cả những quốc gia có hệ thống pháp luật rất chặt chẽ như Malaysia mà vẫn còn để xảy ra tham nhũng. Ở Việt Nam cũng có nhiều luật để thực hiện việc phòng chống tham nhũng như Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Ngân sách và một số luật khác khác.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong dự án Luật này chúng ta phải làm nổi bật hơn phần “phòng” tham nhũng. Ví dụ, chúng ta có thể quy định thanh toán không dùng tiền mặt, tất cả chi tiêu vượt quá 500.000 đồng là cương quyết thanh toán không dùng tiền mặt. Còn về phần “chống”, những tài sản đã chứng minh là tham ô thì chúng ta xử lý tịch thu theo Luật định. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề vướng mắc là chưa chứng minh được đã có sự tham ô chưa? chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của tài sản đó là thế nào. Bây giờ có công cụ là Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế điều hành thì phải tiến hành xử lý luôn. Nếu người đó không chứng minh được tài sản thì chuyển sang cơ quan thuế yêu cầu nộp thuế một lần; phạt từ 1 đến 3 lần. Nộp thuế một lần mức 35%, phạt từ 1 - 3 lần nữa là 115%, cộng vào là 150% nhân với số ngày chậm nộp, nhân với số tiền nộp chậm, nhân với 0,05%.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, nếu chúng ta làm nghiêm túc được việc thu thuế thì vừa chắc chắn, vừa nhẹ nhàng lại không phải quy định thủ tục sang Tòa án, Viện Kiểm sát dẫn đến sự phức tạp. Trên cơ sở phân tích trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tán thành cao với phương án 2: thu thuế thu nhập cá nhân và coi đây là phương án tối ưu để về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Hồ Hương