Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học là quyền được xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có nghĩa vụ giải trình, chịu trách nhiệm về các quyết định trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.
Về tự chủ đại học, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Đồng thời, chỉnh sửa nội dung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Điều 32 của dự thảo Luật quy định: Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng.
Quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn bao gồm: ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng; thực hiện các hoạt động mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật. Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm: ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ cấu lao động; danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; quyết định nhân sự quản trị quản lý trong nhà trường phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ của trường. Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm: ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về các nguồn thu, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ của trường.
Các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện các quyền tự chủ khi đã thành lập hội đồng trường; đã đạt kiểm định cơ sở giáo dục đại học; đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức, hoạt động, quy chế tài chính; chính sách chất lượng, các tiêu chuẩn chất lượng không thấp hơn các tiêu chuẩn do nhà nước quy định và các quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến trách nhiệm giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định chi tiết các nội dung mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng hoạt động.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật đã quy định rõ hơn về quyền tự chủ của các trường đại học, cụ thể về học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cơ sở GDĐH ở từng loại hình, khu vực và gắn với việc đổi mới quản trị đại học.
Bày tỏ đồng tình cao với việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng- Tp. Hải Phòng cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã quy định rõ hơn về quyền tự chủ của các trường đại học, tuy nhiên cần bổ sung quy định giao quyền tự chủ trong công tác tuyển dụng và sử dụng lao động cho các trường đại học.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi các quy định trong hệ thống pháp luật có liên quan để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai tự chủ đại học một cách thực chất.
Cân nhắc trình độ tối thiểu của giảng viên
Đối với quy định về giảng viên và người học, dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý, bổ sung theo hướng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định tiêu chuẩn các chức danh của giảng viên, thời hạn bổ nhiệm các chức danh giảng viên. Trên cơ sở các quy định này, Hội đồng trường có nhiệm vụ xây dựng và phê duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu lao động theo chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn các chức danh quản lý, chức danh giảng viên và vị trí việc làm khác phù hợp với quy định của pháp luật. Hiệu trưởng nhà trường căn cứ theo quy định của pháp luật và nghị quyết của Hội đồng trường được giao tự chủ bổ nhiệm chức danh giảng viên phù hợp với vị trí việc làm, nhu cầu sử dụng của đơn vị. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định Nhà nước có chính sách chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong các cơ sở GDĐH.
Theo đó, Điều 54 của dự thảo Luật quy định: Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe; có trình độ đáp ứng quy định tại Luật Giáo dục và quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Chức danh nghề nghiệp của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động, quy định vị trí việc làm, nhu cầu sử dụng của cơ sở giáo dục đại học.
Đặc biệt, trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ (trừ trợ giảng); trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn phát biểu tại hội nghị
Thảo luận về nội dung này, một số đại biểu cho rằng, không nên quy định cứng về trình độ của giảng viên tối thiểu là thạc sĩ. Bởi có rất nhiều chuyên gia, kỹ sư tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tuy không có trình độ thạc sỹ nhưng lại là những người rất giỏi, có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, có thể giúp sinh viên có kiến thức thực hành thực tế. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chủ trương đổi mới giáo dục căn bản toàn diện nhưng nhưng cần phải đảm bảo không xáo trộn, đảm bảo tiếp tục phát triển vị thế của hai trường đại học quốc gia, nhưng cũng đồng thời không làm yếu đi các trường đại học nằm ngoài đại học quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp thật chặt chẽ, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý tại hội nghị. Nếu đi đến thống nhất, thì có thể xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.