Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và dự thảo Nghị quyết thi hành, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nếu quy định riêng một nghị quyết thi hành cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 thì sẽ tồn tại nhiều nghị quyết hướng dẫn thi hành cùng một đạo luật, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật. Việc tích hợp các nghị quyết có liên quan trong một nghị quyết sẽ giải quyết bất cập nêu trên. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết này để thay thế Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 về việc thi hành Bộ luật hình sự và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/ 07/ 2017. Theo quy định của Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự 2015 và các luật có liên quan thì kể từ ngày 01/ 01/ 2018, các bộ luật, luật gồm Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung; Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự và các luật có liên quan
Nghị quyết cũng giao cho Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự năm 2015; quy định về việc định giá đối với hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy.
Giao Tòa án nhân dân tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điều, khoản, điểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật Hình sự trong nhân dân, cán bộ, công chức và viên chức, nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Bộ luật này trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.