Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể, chi tiết các nội dung của chế định bảo vệ người tố cáo

16/06/2017

Chiều 16/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Trong phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các nội dung về bảo vệ người tố cáo còn chung chung, thiếu tính khả thi, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội trường         Ảnh: Quang Khánh

Cần quy định cụ thể về cơ chế, nội dung, hình thức, biện pháp chế tài bảo vệ người tố cáo

Trước đó, ngày 30/5/2017, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này. Cho ý kiến về chế định bảo vệ người tố cáo, được quy định từ Điều 40 đến Điều 50 của dự thảo Luật, một số ý kiến nhất trí quy định về bảo vệ người tố cáo. Một số ý kiến lại cho rằng việc bảo vệ người tố cáo là cốt lõi của sửa đổi Luật lần này, mức độ, phương thức bảo vệ có nhiều thứ bậc khác nhau, chính sách và việc tổ chức cũng rất khác nhau; tuy nhiên, dự thảo Luật quy định còn chung chung, mang tính hình thức; cần quy định cụ thể, chi tiết về cơ chế, nội dung, phương thức, biện pháp, chế tài bảo vệ; cần kèm theo các văn bản hướng dẫn. Dự thảo luật cần quy định rõ cơ quan nào chủ trì thực hiện việc bảo vệ và sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo; ai có quyền bảo vệ người tố cáo; chưa rõ nguồn tài chính và con người phục vụ việc bảo vệ người tố cáo; các biện pháp bảo vệ; về nguồn lực bảo vệ; cần đánh giá thực tiễn để xác định có bảo vệ được người tố cáo hay không thì mới thông qua Luật; đề nghị cho Cơ quan soạn thảo có thêm thời gian nghiên cứu.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – tỉnh Nghệ An thẳng thắn chỉ ra rằng chế định bảo vệ người tố cáo còn chưa đầy đủ và nhiều khiếm khuyết. Đại biểu chỉ rõ, những vấn đề nội dung bảo vệ là gì, phạm vi bảo vệ đến đâu, ai là người quyết định bảo vệ, lực lượng nào làm nhiệm vụ bảo vệ, biện pháp bảo vệ họ là gì…đều phải được làm rõ, nếu không trong thực tiễn không thể làm được. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải tiếp thu và chỉnh sửa lại chế định bảo vệ người tố cáo một cách đầy đủ, chặt chẽ và khả thi trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà – tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định mới để bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, theo đại biểu các quy định về bảo vệ người tố cáo có thể thực hiện được đúng với mục đích của việc sửa đổi luật thì cần nghiên cứu thêm một số vấn đề. Một là, chương VI của dự thảo luật về bảo vệ người tố cáo lại không có quy định nào bảo vệ cho đối tượng là người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo không phải là người thân thích của người tố cáo. Hai là, theo quy định của dự thảo luật, người tố cáo, người thân thích của người tố cáo sẽ được quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an nơi họ cư trú, làm việc, học tập phải áp dụng các biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên trong thực tế rất khó thực hiện quy định này bởi trong trường hợp này người giải quyết tố cáo hay cơ quan công an nơi họ gửi yêu cầu phải có trách nhiệm xác minh lại yêu cầu có căn cứ hay không và ai sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp giữa cơ quan công an và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không thống nhất trong việc kết luận yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo là có căn cứ hay không có căn cứ thì giải quyết như thế nào, người tố cáo có được áp dụng các biện pháp bảo vệ hay không. Những vấn đề này cần được nghiên cứu và quy định rõ thì khi thực hiện mới áp dụng được.

Cần quy định thống nhất cơ quan đầu mối chủ trì đảm nhiệm trách nhiệm bảo vệ người tố cáo

Về quan hệ phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan tổ chức có liên quan trong bảo vệ người tố cáo, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – tỉnh Bình Phước cho biết, dự thảo luật quy định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo trước hết thuộc về người giải quyết tố cáo sau đó là trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Về nguyên tắc quy định này cơ bản khắc phục được tình trạng là người tố cáo phải tự đi tìm người bảo vệ mình đồng thời hạn chế được khả năng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Song, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đặt vấn đề, nếu việc phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan tổ chức có liên quan không tốt thì việc bảo vệ người tố cáo vẫn khó có thể đảm bảo trên thực tiễn, nhất là trong các tình huống bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo.

Đại biểu cho hay không phải lúc nào việc chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan không cùng ngành đều có thể diễn ra suôn sẻ, kịp thời, đặc biệt trong các tình huống phải khẩn trương bố trí lực lượng phương tiện công cụ bảo vệ cũng như tạm thời di chuyển được người bảo vệ đến nơi an toàn. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn về thời gian các cơ quan, cá nhân được yêu cầu phải tiến hành các biện pháp bảo vệ. Trường hợp nào người giải quyết tố cáo sẽ chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan ở cấp nào, cũng như phải có chế tài hoặc hình thức xử lý các trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không triệt để, không kịp thời dẫn đến hậu quả không bảo vệ được người tố cáo theo yêu cầu.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy – tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng các quy định của dự thảo luật còn chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính, là cơ quan đầu mối trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ. Đồng thời, quy định như dự thảo luật thì việc xác định cơ quan công an nơi người được bảo vệ cư trú làm việc, học tập là cơ quan cấp nào, cấp xã, huyện hay cấp tỉnh là chủ thể áp dụng biện pháp bảo vệ dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu hiệu quả, khó áp dụng trong thực tiễn.

Vì vậy đại biểu, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét quy định thống nhất cơ quan đầu mối chủ trì đảm nhiệm trách nhiệm bảo vệ người tố cáo thuộc tất cả các lĩnh vực. Trong đó quy định hướng dẫn cụ thể trường hợp nào người giải quyết tố cáo sẽ chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an thuộc cấp nào; thời hạn cơ quan, cá nhân yêu cầu phải tiến hành các biện pháp bảo vệ; chế tài xử lý đối với những trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không triệt để, không kịp thời dẫn đến hậu quả không bảo vệ được người tố cáo theo yêu cầu. Đồng thời, dự thảo nên quy định cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn các quy trình thủ tục mẫu các văn bản về tiếp nhận, xử lý giải quyết yêu cầu bảo vệ người tố cáo để thực hiện thống nhất.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy cũng đề nghị dự thảo luật cần xem xét quy định rõ những dấu hiệu, biểu hiện có tính định lượng làm căn cứ để bảo vệ, tránh sự tùy nghi khi xem xét áp dụng luật. Đồng thời xem xét, bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan tổ chức có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận giải quyết tố cáo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi không bảo đảm bí mật và thông tin cho người tố cáo, trước thực trạng thời gian qua việc giữ gìn thông tin của người tố cáo chưa thật hiệu quả.

Bảo Yến

Các bài viết khác