Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét thông qua dự án Luật tố cáo (sửa đổi) theo quy trình 3 kỳ họp

16/06/2017

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 16/6, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về dự án Luật tố cáo (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì dự án luật này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo hiện hành. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đã rất tích cực sửa đổi toàn diện Luật tố cáo hiện hành trình Quốc hội, lấy tên mới là Luật tố cáo (sửa đổi). Trong đó số lượng điều khoản được sửa đổi, bổ sung lớn và bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng, như việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức nay đã nghỉ hưu hay đã chuyển công tác hoặc cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước về rút tố cáo, đình chỉ giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo.

Trước đó, ngày ngày 30/5/2017, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này với 185 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội ở các tổ phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, nhìn chung các ý kiến nhất trí sửa đổi toàn diện luật này và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của cơ quan chủ trì soạn thảo và tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều nội dung của dự án luật chưa quy định cụ thể, nhất là các nội dung mới được bổ sung chưa đánh giá kỹ tác động, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nên khó bảo đảm tính khả thi.

Xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo đối với thư điện tử và có chữ ký điện tử

Về hình thức tố cáo, Điều 20 của Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp. Thảo luận tại Hội trường về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Yến – tỉnh Phú Thọ và đại biểu Phạm Đình Cúc – tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu để bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như qua điện thoại, fax, thư điện tử. Vì đây là những hình thức tố cáo tiện lợi, phổ biến, đồng thời  thực hiện cải cách hành chính trong hoạt động tố cáo và phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành đã quy định như Luật phòng chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật giao dịch điện tử.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên - tỉnh Bình Thuận góp ý về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)     Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – tỉnh Bình Thuận cho rằng nếu không chấp nhận các hình thức tố cáo thông qua các phương tiện phổ biến trong giao dịch hiện nay như bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử thì nguồn thông tin mà chúng ta tiếp nhận được sẽ chưa toàn diện, chưa đáp ứng tính kịp thời, công tác quản lý nhà nước và việc xử lý, ngăn chặn các sai phạm do cán bộ, công chức gây ra sẽ bị hạn chế. Hơn nữa, các hình thức tố cáo này cũng đã được Luật phòng, chống tham nhũng quy định và cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo được nêu trong Chỉ thị số 50 ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị, đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật tố cáo bảo đảm các tố cáo về tham nhũng phải được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng đùn đẩy, bao che, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên cũng đề nghị, cần phải giải quyết đưa ra một quy trình thủ tục riêng biệt, tương ứng với từng tính đặc thù của từng hình thức tố cáo để có các biện pháp xử lý thông tin kịp thời, phù hợp, chứ không nên hạn chế các hình thức tố cáo.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – tỉnh Đồng Tháp lại cho rằng để bảo đảm tính khả thi và hiệu lực trên thực tế thì dự thảo luật lần này chỉ nên tập trung giải quyết những tố cáo có ghi rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Đồng thời, chưa mở rộng các hình thức tố cáo khác mà nên tập trung giải quyết tốt đối với các hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp, tức là mang tính pháp lý cao như quy định hiện hành và đến thời điểm nào đấy là chúng ta có đủ điều kiện thì chúng ta sẽ tính tiếp việc có mở rộng hay không.

Đại biểu Trần Văn Mão – tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ lo ngại, nếu quy định theo nội dung mở rộng hình thức tố cáo trong thời đại công nghệ thông tin phát triển cao thì người tố cáo sẽ lợi dụng địa chỉ email của người khác hoặc tên của người khác, thư điện tử, điện thoại di động của người khác tố cáo, bôi nhọ đối với những người bị tố cáo. Khi đó, sẽ mất thời gian để giải quyết các vấn đề xác minh cụ thể địa chỉ email hoặc tên, tên thư điện tử có đúng với thực tế, có nặc danh hay không.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành – tỉnh Đắk Lắk bày tỏ chia sẻ với ý kiến băn khoăn về những bất cập, hạn chế, tồn tại khi chấp nhận hình thức tố cáo qua hình thức điện tử. Tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề liệu có phải việc không chấp nhận các hình thức tố cáo đã được quy định tại các Bộ luật Tố tụng, Luật phòng, chống tham nhũng là một bước lùi của lập pháp không.

Đại biểu Ngô Trung Thành nhấn mạnh, chúng ta rất phàn nàn rằng xây dựng Chính phủ điện tử không có người dân điện tử nên gặp rất nhiều bất cập, cải cách thủ tục hành chính gặp khó khăn. Vậy thì việc không chấp nhận áp dụng công nghệ thông tin, hình thức tố cáo qua mạng điện tử có phải đi ngược lại xu hướng xây dựng Chính phủ điện tử không. Cho rằng khía cạnh nào cũng có ưu điểm và nhược điểm và không phải vì có nhược điểm mà lại từ chối, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động vấn đề này và phải bổ sung trong hồ sơ dự án luật .

Làm rõ các nội dung đại biểu thảo luận tại cuối phiên họp, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu, qua ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, để tạo cho công dân thực hiện hình thức tố cáo và cung cấp thông tin để giải quyết xử lý theo thẩm quyền tố cáo thì có thể mở rộng hình thức là thư điện tử và có ký tên, chữ ký điện tử thì được xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo. Các hình thức điện tử khác, công nghệ thông tin truyền thông khác thì phải xác định rõ họ tên, địa chỉ và nội dung thông tin rõ ràng cũng sẽ được xử lý theo quy trình giải quyết tố cáo.

Cần quy định quy trình, thủ tục xử lý đơn thư nặc danh có căn cứ

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - tỉnh Bình Phước phát biểu tại Hội trường

Liên quan đến việc xử lý đơn tố cáo nặc danh, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – tỉnh Bình Phước đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ các trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng nếu có gửi kèm theo các chứng cứ có nội dung rõ ràng như các tài liệu, vật chứng, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình thì cơ quan và người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. Cùng quan điểm, Phạm Đình Cúc – tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị trong trường hợp này cần quy định chặt chẽ việc việc xác minh tố cáo.

Nhất trí về nguyên tắc không giải quyết đơn tố cáo nặc danh, tuy nhiên đại biểu Phạm Trí Thức – tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua khảo sát một số địa phương, một số bộ ngành cho thấy nhiều địa phương đã tiếp nhận được các đơn tố cáo nặc danh. Nhiều đơn trình bày, cung cấp đầy đủ các chứng cứ như băng ghi âm, ghi hình v.v... Tuy không giải quyết theo thủ tục của Luật tố cáo, nhưng đây cũng là nguồn thông tin rất quan trọng để phát hiện, xử lý những vi phạm pháp luật cũng như những tội phạm. Đại biểu Phạm Trí Thức cho rằng, nên có một quy định về mặt nguyên tắc xử lý những đơn này mặc dù không theo thủ tục luật này nhưng có thể bằng thanh tra đột suất hoặc bằng công tác kiểm tra để xử lý.

Tán thành quan điểm đối với đơn thư nặc danh mà có căn cứ, có cơ sở, có chứng cứ thì chúng ta vẫn giải quyết và vấn đề đặt ra là sẽ xử lý theo một trình tự thủ tục nào, đại biểu Nguyễn Bá Sơn - TP Đà Nẵng cho rằng nên tiếp tục sử dụng nó như một nguồn tài liệu để phục vụ quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước song phải được xử lý bằng một trình tự, thủ tục khác và trình tự đó đã được điều chỉnh bởi Luật thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - TP.Đà Nẵng phát biểu tại phiên họp

Đề nghị xem xét thông qua dự thảo luật theo quy trình tại 3 kỳ họp

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – tỉnh Bình Thuận nêu vấn đề, phạm vi sửa đổi của dự thảo luật được điều chỉnh từ luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang luật sửa đổi trong một khoảng thời gian không lâu, trong khi nhiều quy định mới được bổ sung có tác động rất lớn tới xã hội, nhất là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Do đó, để đảm bảo tính khả thi của dự án luật, đại biểu đề nghị Quốc hội dành thêm thời gian để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, sâu sắc hơn và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp tiếp theo.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy – tỉnh Thanh Hóa nhận định, do thời gian chuẩn bị gấp, nhiều nội dung dự thảo luật còn chung chung và không khả thi vì vậy đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án luật theo quy trình tại 3 kỳ họp.

Đại biểu Ngô Trung Thành – tỉnh Đắk Lắk phân tích, dự thảo luật có nhiều nội dung như chế định bảo vệ người tố cáo còn chung chung và nếu giữ quy định như dự thảo sẽ không triển khai được trên thực tế. Các nội dung của dự thảo luật được các đại biểu Quốc hội đề cập đều là những vấn đề rất quan trọng và cần phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Đại biểu cho rằng Quốc hội cần xem xét quyết định thông qua dự án luật này qua 3 kỳ mới bảo đảm được. Theo đại biểu, nếu theo quy trình tại 3 kỳ họp thì kỳ thứ hai Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện dự án luật và trình lại dự án luật. Trong quá trình tiếp thu đó thì những vấn đề nào nổi lên qua ý kiến đại biểu Quốc hội thì Chính phủ sẽ có nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ, như vậy dự án luật của chúng ta mới bảo đảm chất lượng.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng xem xét thông qua dự án luật này tại 2 kỳ họp hay 3 kỳ họp Quốc hội là vấn đề quan trọng và khó khăn. Nếu theo quy trình thông qua tại 2 kỳ họp thì sau kỳ họp này Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ chịu trách nhiệm chính phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan để hoàn thiện, chỉnh lý dự án và trình lại Quốc hội tại kỳ họp thứ tư để thông qua. Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị phải thông qua tại 3 kỳ họp và cho rằng vấn đề quan trọng nhất là chất lượng và tính khả thi của dự án luật phải phù hợp với điều kiện hệ thống chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội của của nước ta và để bảo đảm tính khả thi thì phải xem xét qua 3 kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ báo cáo lại với Ủy ban thường vụ Quốc hội và có thể phải gửi phiếu thăm dò ý kiến của đại biểu Quốc hội theo 2 phương án. Phương án 1 là thông qua tại 3 kỳ họp, phương án 2 là thông qua tại 2 kỳ họp. Đại biểu ghi ý kiến vào phương án nào thì sẽ quyết định và thông báo lại với các vị đại biểu Quốc hội. 

Bảo Yến

Các bài viết khác