Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh- tỉnh Bình Phước nhận định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp. Cử tri Bình Phước và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh rất phấn khởi với chủ trương của Chính phủ khi triển khai gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ dành cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng trên thực tế việc triển khai gói tín dụng này gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp để các doanh nghiệp hợp tác xã nông nghiệp có thể sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, Bộ trưởng sẽ tham mưu chính sách cụ thể gì để xóa bỏ cơ chế xin, cho hiện nay trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chính phủ, các thành viên Chính đang phủ tập trung triển khai định hướng của Trung ương, của Quốc hội về việc chuyển dịch nông nghiệp mạnh hơn, nhanh hơn sang hướng nông nghiệp hàng hóa tập trung, với mục tiêu nòng cốt là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai một gói kích thích cho sản xuất nông nghiệp trị giá 100.000 tỷ đồng để khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã, bà con nông dân tập trung đổi mới, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để chúng ta có những dạng hàng hóa tập trung hơn, phù hợp với thị trường hơn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngay sau khi có chủ trương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành các bộ tiêu chí đánh giá nhóm sản xuất hàng hóa với đối tượng là các doanh nghiệp, các hợp tác xã và các nhóm hộ nông dân. Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước cũng cùng vào cuộc rất nhanh, cho đến nay đã chỉ đạo được 8 ngân hàng thương mại với số vốn đăng ký là 120.000 tỷ đưa vào chương trình này. Theo đó, từng đối tượng, từng quy mô, từng vùng sẽ được hưởng lãi suất của ngân hàng với mức chênh so với lãi suất thương mại bình thường trong doanh nghiệp là 0,5- 1,5%. Đến nay, đã giải ngân được hơn 30.000 tỷ đồng cho các dự án, các doanh nghiệp, các khu vực sản xuất.
Về cơ chế xin cho, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là bất kỳ khu vực nào có điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở tiêu chí đã đưa ra thuộc các phân khúc, các quy mô cấp huyện, cấp tỉnh, vùng trọng điểm đều được áp dụng, chứ không phải xin cho. Còn trong quá trình thực hiện, nếu cần phải xúc tiến đầu tư, giới thiệu thông tin, cần cơ chế phối hợp thì các bộ sẽ sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ.
Nhận định tích tụ ruộng đất là biện pháp quan trọng để tạo điều kiện cho cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng- tỉnh Quảng Trị cho rằng, những năm qua việc thực hiện chủ trương đó chúng ta mới đạt kết quả bước đầu, hiện vẫn còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Đại biểu đặt ra câu hỏi, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình này, theo Bộ trưởng giải pháp nào là cơ bản, quan trọng nhất để đẩy nhanh tiến trình tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp. Đồng thời, quá trình đó liệu có dẫn đến sự bần cùng hóa nông dân không và làm như thế nào để vừa tích tụ được ruộng đất, vừa có giải pháp hài hòa lợi ích cho nông dân.
Khẳng định quan điểm rõ ràng về chủ trương tích tụ ruộng đất phải đảm bảo nông dân không mất việc làm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc tích tụ ruộng đất phải trên cơ sở tự nguyện giao dịch, chuyển đổi. Hơn nữa theo Bộ trưởng, trong một nền nông nghiệp công nghệ cao thì doanh nghiệp cũng không cần quá nhiều diện tích, chỉ cần có một mặt bằng nhất định.
Quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp đối với đồng bào miền núi, đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân- tỉnh Thanh Hóa chỉ ra rằng, sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những cử tri đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho rằng tác động của quá trình đổi mới đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế, việc làm, thu nhập và đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo nơi đây còn cao. Từ thực tiễn đó, đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc Bộ và giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong suốt thời gian qua, mặc dù nguồn nhân lực không nhiều, nhưng chủ trương, chính sách của chúng ta luôn có sự quan tâm đến các đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn. Bộ trưởng cho biết, riêng vùng Tây Bắc, vùng khó khăn nhất trong 6 vùng kinh tế- xã hội ở nước ta, hiện nay đã có thu nhập bình quân là 464kg lương thực/đầu người. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là thành quả của cả một chuỗi chính sách. Bộ trưởng cho biết thêm, ở Bắc Kạn, thiết chế hạ tầng bây giờ của đồng bào miền núi đã được nâng cấp khác ngày xưa nhiều, bộ mặt, đời sống, vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân nói chung, trong đó có những vùng khó khăn được thay đổi tương đối rõ. Đối với chính sách miền núi, ngoài các chính sách cụ thể hiện hành, Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ tập trung vào các chương trình mục tiêu, trong đó có chương trình trồng rừng, xóa đói, giảm nghèo để đảm bảo khai thác được lợi thế về lâm nghiệp, nông nghiệp đặc sản, dược liệu.