Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ sự tán thành, ủng hộ với chủ trương sớm ban hành Nghị quyết về giải quyết xử lý nợ xấu nhằm góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Về quan hệ giữa nghị quyết và các luật khác, các đại biểu đánh giá, việc ban hành nghị quyết này vào thời điểm hiện nay là kịp thời và phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do hiện nay chúng ta chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ về xử lý nợ xấu, những vấn đề đặt ra trong dự thảo nghị quyết thì quy định cơ bản đầy đủ về nguyên tắc, biện pháp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo mang tính khả thi phù hợp với thực tiễn và không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận trong xã hội cũng như đảm bảo tính khả thi còn rất nhiều vấn đề trong dự thảo nghị quyết cần tiếp tục hoàn chỉnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu phát biểu tại hội trường Ảnh: Đình Nam
Cân nhắc kỹ lưỡng về quyền thu giữ tài sản đảm bảo
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng - TP Hà Nội nhận định, mặc dù tên gọi là nghị quyết về nợ xấu, nhưng vấn đề cốt lõi ở đây chính là việc ban hành các cơ chế để thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Đại biểu phân tích, hiện nay chúng ta đã có thị trường mua bán nợ xấu nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, đặc biệt những hàng hóa có giá trị các khoản nợ gắn với bất động sản do chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa ra giao dịch. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia thị trường với tư cách là người mua còn rất hạn chế, do những quy định về điều kiện để tham gia. Công ty quản lý tài sản(VAMC) được thành lập để đóng vai trò chủ lực hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu lại chưa có cơ chế và nguồn lực cần thiết để vận hành như kỳ vọng. Như vậy, việc Quốc hội phê chuẩn nghị quyết xử lý nợ xấu nếu sẽ tháo gỡ được nút thắt, tạo ra một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, các khoản nợ xấu này sẽ được bán và thu hồi nhanh hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu – tỉnh Đắk Lắk cho rằng, Nghị quyết cần cân nhắc thật kỹ lưỡng về quyền thu giữ tài sản đảm bảo quy định tại Điều 7. Đại biểu đưa ra phân tích, theo quy định của Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Theo quy định tại Điều 301 Bộ luật dân sự năm 2015 thì giao tài sản để xử lý thì người đang giữ tài sản có nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo cho bên nhận để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận đảm bảo có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định giao tài sản bảo đảm để xử lý mà không quy định thu giữ tài sản bảo đảm để khẳng định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý.
Việc quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo tại Điều 7 của Dự thảo nghị quyết như trên mới chỉ thể hiện được việc bảo vệ quyền, lợi ích của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu mà không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân và đặc biệt là của người thứ ba có liên quan đến tài sản đang đảm bảo, không phù hợp và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Do đó, quy định này cần được nghiên cứu xem xét đến yếu tố đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – TP Hà Nội cho rằng, việc xử lý tài sản bảo đảm cần cân nhắc thêm để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa một bên là các tổ chức tín dụng, một bên là người có tài sản bị thu giữ. Đại biểu chỉ ra rằng, Dự thảo nghị quyết quy định thời hạn thu giữ tài sản là tương đối ngắn, 10 ngày thông báo và sau đó 10 ngày tiến hành thu hồi. Đối với việc thu giữ tài sản liên quan đến bất động sản, liên quan đến nhà ở thì có lẽ trong một số trường hợp có thể phát sinh vướng mắc khi người có tài sản thu giữ bố trí nơi ở mới, đặc biệt là liên quan đến nơi ở của người già, trẻ em. Trong Hiến pháp quy định rất rõ quyền của công dân, đó là quyền có nhà ở, vì vậy nên kéo dài thời hạn này so với quy định trong Dự thảo nghị quyết.
Góp ý thêm về nội dung này, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt – tỉnh Gia Lai phân tích, tại Khoản7, Điều7 có quy định chế tài trong thu giữ tài sản bảo đảm, đây là việc khó khăn và vất vả. Vì trong thực tiễn có nhiều tình huống xảy ra, hậu quả trách nhiệm pháp lý khó lường trước, do đó cần có quy định chi tiết đặc biệt là lực lượng công an tham gia phải đảm bảo thực thi đúng quy định của pháp luật. Phải coi đây là nhiệm vụ nhạy cảm với xã hội hiện nay.
Nhất trí với quy định tại dự thảo về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng tại Điều 7, đại biểu Quốc hội Hà Thị Minh Tâm – tỉnh Hà Nam cho rằng, điều luật đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm theo đúng điều khoản hai bên đã ký kết trong hợp đồng, giúp cho việc thanh lý dễ dàng và nâng cao trách nhiệm ý thức trả nợ của người đi vay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về việc thực hiện quyền này trong trường hợp tài sản có tranh chấp, tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự, tài sản bảo đảm trong trường hợp có nhiều bên nhận bảo đảm, như vậy mới đảm bảo tính khả thi trong thực hiện và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan.
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt phát biểu tại hội trường Ảnh: Đình Nam
Cần xử lý và thu hồi nợ xấu được càng nhiều càng tốt trong giai đoạn 5 năm khi nghị quyết ban hành
Góp ý về hiệu lực của Nghị quyết, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - TP Hà Nội cho rằng nếu nghị quyết này ban hành mà đối tượng áp dụng chủ yếu là dành cho các tổ chức tín dụng thì thời hạn có thể kéo dài 5 năm như dự thảo. Tuy nhiên, nếu đối tượng áp dụng hướng vào chủ yếu là dành cho các Công ty quản lý tài sản thì không nhất thiết phải kéo dài. Đại biểu phân tích, bản thân việc bán nợ xấu thì chỉ có các tổ chức tín dụng là đơn vị bán tốt nhất còn Công ty quản lý tài sản không thể bán các nợ xấu này, bán các tài sản bảo đảm này bằng các tổ chức tín dụng. Vì con số thống kê cho thấy trong 611.000 tỷ đồng nợ xấu được giải quyết thì các tổ chức tín dụng bán 92% còn Công ty quản lý tài sản chỉ bán được 50.000 tỷ tức là 8%. Công ty quản lý tài sản có chức năng chủ yếu là giải quyết những vấn đề làm đẹp thêm bản tổng kết tài sản của các tổ chức tín dụng và đưa các doanh nghiệp đang nằm trong đối tượng nợ xấu ra ngoài đối tượng để được tiếp tục. Và Công ty quản lý tài sản sẽ có vai trò rất quan trọng là phải tái cơ cấu lại các nguồn này bằng việc kêu gọi các nguồn đầu tư. Do vậy, đại biểu đồng tình với Ủy ban Kinh tế xã hội là bổ sung thêm một điều khoản là phải thực hiện chứng khoán hóa những khoản nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản đã mua được. Đây chính là cơ sở quan trọng để ra đời và phát triển các thị trường thế chấp thứ cấp trong tương lai.
Liên quan đến nội dung thời hạn của Nghị quyết, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng - TP Hà Nội nêu quan điểm, về thời gian, đề xuất với Quốc hội cho phép áp dụng nghị quyết xử lý nợ xấu bao gồm cả các khoản hiện tại và phát sinh. Đại biểu lý giải, vì nghị quyết này chỉ có 5 năm, chúng ta không tốn nguồn lực mà chỉ có cơ chế và quy định, cần xử lý và thu hồi được càng nhiều càng tốt trong giai đoạn 5 năm khi nghị quyết ban hành.
Quan tâm đến mối quan hệ giữa Nghị quyết và Luật các tổ chức tín dụng, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của nghị quyết, sau 5 năm chúng ta sẽ không thực hiện nghị quyết này nữa, hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý đó là nợ xấu luôn đồng hành với quá trình phát triển kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào cũng như ở Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta không thể xử lý một lần dứt điểm là xong . Như vậy, đồng nghĩa với việc chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý ổn định để có căn cứ để xử lý những vấn đề liên quan đến nợ xấu phát sinh trong tương lai. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cùng với việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng thì cần bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc, mang tính ổn định về xử lý nợ xấu trong dự thảo luật đó để có khuôn khổ pháp lý bảo đảm việc thi hành.
Cùng mối quan tâm này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh đưa ra nhận định, đây là nghị quyết mang tính chất nhất thời và cá biệt, không mang tính chất văn bản pháp quy, trong khi chúng ta đang sửa đổi luật về tín dụng và ngân hàng. Vì vậy đại biểu đề nghị nên cân nhắc, có nên kéo dài đến 5 năm hay không, hay chúng ta quy định sau khi Luật các tổ chức tín dụng được sửa chữa chúng ta áp dụng theo luật.