Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình Ảnh: Đình Nam
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật Thuỷ sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2004, về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản. Nhờ đó, ngành thuỷ sản đã dần chuyển dịch từ nghề cá nhân dân sang nghề cá thương mại. Trong những năm qua, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành nông nghiệp, cũng như nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của nông sản Việt Nam (xuất khẩu thủy sản từ 2,2 tỷ USD năm 2003 tăng lên 7,16 tỷ USD năm 2016).
Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai thực hiện Luật Thuỷ sản 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành Thuỷ sản Việt Nam, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác cải cách hành chính của Chính phủ, và không còn phù hợp với các luật mới có liên quan đến lĩnh vực thủy sản được Quốc hội thông qua (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai..), một số quy định cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế như: quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản, quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, quy định về biện pháp của quốc gia có cảng....
Bên cạnh đó, sự phát triển ngành thủy sản chưa bền vững; năng lực, kinh nghiệm quản lý và đầu tư trang thiết bị phục vụ cho kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thuỷ sản còn hạn chế; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường; nguồn lợi thuỷ sản đang có dấu hiệu suy giảm, môi trường sống của các loài thuỷ sản có nguy cơ bị ô nhiễm; xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu… là những thách thức lớn đối với ngành thuỷ sản cần phải giải quyết.
Để khắc phục được các bất cập nêu trên; đồng thời, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển thủy sản nói riêng; đặc biệt là Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 26-NQ/TW năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc tiến hành sửa đổi Luật Thuỷ sản 2003 là hết sức cần thiết.
Dự án Luật gồm có 08 Chương, 100 điều (trong đó, kế thừa 12 điều; sửa đổi 50 điều; bổ sung mới 38 điều).
So với Luật Thủy sản 2003, Dự án Luật bổ sung 01 Chương (Kiểm ngư), bỏ 03 Chương: Hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; Quản lý nhà nước về thủy sản; Khen thưởng và xử lý vi phạm. Nội dung về hợp tác quốc tế và quản lý nhà nước về thủy sản được lồng ghép vào các chương và quy định cụ thể tại Điều 7 và Điều 9 trong Chương quy định chung của dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thủy sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung có liên quan của dự thảo Luật để xử lý việc trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn không hợp lý, bảo đảm tính thống nhất và khả thi của dự án Luật, phù hợp với đường lối, chính sách phát triển ngành thủy sản và quy định của Hiến pháp 2013.
Về tên gọi của Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí tên gọi là Luật Thuỷ sản (sửa đổi) như đề nghị của Chính phủ vì phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội hàm của dự án Luật.
Về đối tượng áp dụng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu để bổ sung nội dung về khai thác ngoài vùng biển Việt Nam cho phù hợp; các quy định cần được chi tiết hơn, cần được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết cũng như các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương với các nước liên quan.
Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thuỷ sản (Điều 6), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với dự thảo Luật quy định các chính sách về đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chính sách khuyến khích cho các hoạt động thuỷ sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lợi thuỷ sản hiện nay ngày càng cạn kiệt, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản gần bờ gặp nhiều khó khăn thì việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần có các chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong chuỗi các hoạt động thủy sản, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững.
Về khai thác thủy sản (Chương IV), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy các hoạt động khai thác thuỷ sản phải tuân thủ quy định chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) mà Liên minh châu Âu đề ra. Vì thế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nội luật hóa các quy định này cho phù hợp với tình hình thực tiễn của ngành thủy sản Việt Nam cũng như yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu. Ủy ban cũng nhất trí với việc đổi mới trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản và thống nhất khai thác thủy sản phải được quản lý bằng hạn ngạch để bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản hợp lý và bền vững; thời hạn của giấy phép 60 tháng như quy định trong dự thảo Luật (điểm a Khoản 2 Điều 51) là phù hợp với thời hạn điều tra, đánh giá và công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản.
Về lực lượng kiểm ngư (Chương VI), có nhiều ý kiến đưa ra trong phiên thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm ngư trung ương (có các chi cục tại các vùng - gọi tắt là Kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh; nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư trong dự thảo Luật.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo Luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản tại các chi cục thủy sản; lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ do đang hoạt động theo Luật Thanh tra, không có các công cụ hỗ trợ đi kèm, chưa có các chế tài cưỡng chế như các kiểm ngư viên, không được hưởng chính sách, chế độ khi thực hiện thanh tra trên biển như kiểm ngư viên.
Loại ý kiến thứ ba đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà thành lập thêm Kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản tại địa phương. Chính phủ sẽ căn cứ tính chất, yêu cầu của từng địa phương để quy định thành lập lực lượng kiểm ngư tại một số tỉnh cho phù hợp, như tỉnh có bờ biển dài, có địa hình phức tạp, có lượng tàu thuyền hoạt động lớn v.v. Việc chuyển đổi từ lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản sang kiểm ngư tại một số tỉnh có vùng biển đặc thù cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm biên chế, bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 39.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan, đã có nhiều cố gắng để xử lý những bất cập, chồng chéo liên quan trực tiếp đến nhiều đạo luật trong hệ thống pháp luật của nước ta và nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập.