Trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 14/2016/QH14 ngày 27/7/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 19/2016/QH14 ngày 28/7/2016 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”. Trong thời gian từ tháng 11/2016 đến hết tháng 4/2017, Đoàn giám sát đã làm việc với 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 03 miền Bắc, Trung, Nam, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 08 loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; làm việc với Chính phủ và 03 bộ có trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương; tổ chức 03 Hội nghị chuyên đề tại 3 miền Bắc, Trung và miền Nam.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, của Ủy ban nhân dân 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Báo cáo giám sát của 42 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, các tài liệu có liên quan và kết quả khảo sát thực tế, Đoàn giám sát đã xây dựng báo cáo giám sát và Dự thảo Nghị quyết về an toàn thực phẩm trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp tháng 4/2017 và tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện Báo cáo và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát
Nhiều văn bản quản lý an toàn thực phẩm nhưng chưa được hệ thống hóa
Theo Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016, nhiều văn bản chính sách lớn định hướng cho quản lý an toàn thực phẩm đã được ban hành như: Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chỉ thị 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030… Nhiều văn bản pháp luật như: Hiến pháp 2013, Luật Thú y, Luật Kiểm dịch và Bảo vệ thực vật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước…cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành trong giai đoạn này đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Qua giám sát cho thấy, văn bản chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm thời gian qua đã được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời; từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Số liệu thống kê từ các bộ và Ủy ban nhân dân của 63 tỉnh/thành phố thì trong giai đoạn từ 2011- 2016, hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành, trong đó 08 văn bản Luật của Quốc hội, 34 Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, 08 Thông tư liên tịch, 40 Thông tư của Bộ Y tế, 54 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 12 Thông tư của Bộ Công Thương, 02 Thông tư của Bộ Tài chính để quản lý an toàn thực phẩm. Luật an toàn thực phẩm là văn có hiệu lực cao, quy định khá đầy đủ, toàn diện các nội dung về quản lý an toàn thực phẩm.
Triển khai thực hiện Luật an toàn thực phẩm và các văn bản nêu trên, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành như: Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm, Nghị định 178/2013/NĐ-CP về quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Quyết định số 1228/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia 2012 - 2015 và nhiều văn bản nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư cũng được ban hành quy định cụ thể về quy hoạch, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm; tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu, giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hoá học trong thực phẩm; yêu cầu về điều kiện, sản xuất, kinh doanh, lưu thông, vận chuyển, quảng cáo thực phẩm; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; các thủ tục hành chính trong quản lý an toàn thực phẩm… Đồng thời, các địa phương đã ban hành 1.253 văn bản quản lý trong đó có 669 văn bản quy phạm pháp luật.
Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, nội dung các văn bản pháp luật ban hành, về cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về an toàn thực phẩm; nội luật hóa các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; các quy định hướng dẫn đã bám sát văn bản gốc, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý như: quy định về phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý, phương thức quản lý, công cụ kỹ thuật phục vụ quản lý, điều kiện sản xuất kinh doanh cho từng loại thực phẩm…
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, các văn bản ban hành nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa gây khó khăn cho việc áp dụng Luật. Ví dụ, về sản xuất, kinh doanh sữa chế biến dạng lỏng phải áp dụng không dưới 25 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 06 Luật, 06 Nghị định, 13 thông tư hướng dẫn, liên quan đến 09 thủ tục hành chính, 05 cơ quan quản lý nhà nước chưa kể đến các lĩnh vực khác như xử lý vi phạm hành chính, quản lý thị trường, môi trường…
Quy định trong Luật an toàn thực phẩm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm (điểm e khoản 2 Điều 7, điểm b khoản 2 Điều 8, điểm b khoản 2 Điều 11, điểm h khoản 1 Điều 22, Điều 54); quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (Điều 22) là chưa bảo đảm tính khả thi; quy định về kiểm tra thực phẩm nhập khẩu đối với tất cả lô hàng nhập khẩu (điểm b khoản 1 Điều 38) là chưa phù hợp với thực tế. Quy định về các tội phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ luật Hình sự 2015 thì các hành vi vi phạm chưa được lượng hóa nên trên thực tế rất khó xác định để xử lý hình sự; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh (khoản 2 và 3 Điều 7 Luật Đầu tư) chưa phù hợp với các Luật đã ban hành có liên quan đến sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Các quy định của Luật an toàn thực phẩm về thu gọn đầu mối quản lý an toàn thực phẩm từ 5 bộ xuống còn 3 bộ chịu trách nhiệm chính trong quản lý an toàn thực phẩm thực tiễn còn chưa phù hợp trong quản lý các sản phẩm “giao thoa” giữa các bộ hoặc giữa các bộ và địa phương. Theo Luật an toàn thực phẩm thì đối với sản phẩm sữa thì theo quy định của Luật an toàn thực phẩm thì sữa nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, sữa chế biến thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương nhưng trên thực tế có nhiều sản xuất theo chuỗi khép kín hoặc sản xuất nhiều mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều bộ; đối với sản phẩm sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng thì lại quy định do Bộ Y tế quản lý.
Quy định về phân công quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; quản lý sản phẩm hỗn hợp thuộc lĩnh vực quản lý của 3 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương trong các văn bản dưới luật thì theo thống kê sơ bộ còn có 37 văn bản có mặt mâu thuẫn, không phù hợp với điều kiện thực tế, cần sửa đổi, bổ sung. Quy định về quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản xuất thủ công như: miến, bún, phở khô, rượu chưa cụ thể, thiếu các văn bản hướng dẫn cần thiết.
Đề xuất rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hệ thống đồng bộ
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến – TP.Đà Nẵng chỉ ra thực trạng chậm ban hành chính sách, sau gần 2 năm kể từ khi Luật an toàn thực phẩm được thông qua thì Chính phủ mới ban hành Nghị định 38 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và mất 4 năm mới có Thông tư liên tịch số 13 năm 2014 về phân công, phối hợp quản lý nhà nước đối với từng nhóm thực phẩm mà từng bộ chịu trách nhiệm quản lý. Đại biểu đặt vấn đề, điều gì sẽ xảy ra trong thời gian chậm ban hành văn bản khi trách nhiệm chưa được phân định rõ ràng; nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sau 1 năm thi hành đã phải điều chỉnh.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn – TP.Hà Nội cho rằng có quá nhiều văn bản gây chồng chéo, thậm chí rất nhiều văn bản không phù hợp với luật hiện hành thì chúng ta cũng đang thiếu trầm trọng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm thước đo, công cụ để các cơ sở, các địa phương tiến hành quản lý an toàn thực phẩm. Đại biểu đề xuất giải pháp đặt hàng các danh mục khoa học này cho các viện, các trường, các nhà chuyên môn để giúp cho các bộ đưa ra được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thực hiện công tác quản lý.
Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh - tỉnh Cà Mau đề xuất rà soát hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm
Đánh giá việc ban hành chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trong giai đoạn này, đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh – tỉnh Cà Mau cho rằng với 158 văn bản vi phạm pháp luật đã ban hành, số lượng khá nhiều thể hiện sự quan tâm và cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị. Tuy nhiên thiếu tính ổn định dẫn đến khó triển khai thực hiện, có sự đan xen chồng chéo và thiếu cơ chế phối hợp cũng như không phân định rõ ngành nào chịu trách nhiệm quản lý chính. Các bất cập này còn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng lần lượt chịu sự thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan đơn vị. Đại biểu Trương Thị Yến Linh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành rà soát hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm để điều chỉnh hoàn thiện hành lang pháp lý thống nhất và đồng bộ hơn.
Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh - Bình Phước cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khắc phục sự chồng chéo bất cập không khả thi của các văn bản. Đồng thời, cần tiến hành sơ kết 5 năm việc thực hiện chính sách an toàn thực phẩm, tiến đến rà soát sửa đổi Luật an toàn thực phẩm năm 2010 trong thời gian tới, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành các hướng dẫn, cơ chế hoạt động thống nhất hệ thống tổ chức, mô hình hoạt động an toàn thực phẩm cho tuyến huyện và cấp xã cũng như ban hành quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với sản phẩm, thực phẩm.