Cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ xây dựng văn bản luật

31/05/2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 31/5, Quốc hội đã có phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 nêu rõ, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh sẽ là: Tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật, 03 nghị quyết; cho ý kiến về 05 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 4, trình Quốc hội thông qua 06 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật (trong đó có 02 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể thông qua ngay tại 01 kỳ họp).

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Các đại biểu nhận định, so với các năm trước, việc lập đề nghị đưa các dự án vào Chương trình đã có nhiều cải tiến theo hướng thực chất hơn. Chính phủ, các cơ quan liên quan cùng với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tích cực phối hợp chuẩn bị để bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ các dự án theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đề nghị xây dựng luật cũng như nội dung thẩm tra đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu hơn, tập trung vào những nội dung chính sách được đề xuất quy định trong luật, có đánh giá tác động và khả năng thực hiện của từng chính sách.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy – TP Đà Nẵng phát biểu tại hội trường     Ảnh: Đình Nam

Tán thành nguyên tắc điều chỉnh Chương trình năm 2017 và lập Chương trình năm 2018

Trong việc lập Chương trình năm 2018 và điều chỉnh Chương trình năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất nguyên tắc ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Những dự án, dự thảo được đưa vào Chương trình phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án; Việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan để bảo đảm chất lượng; Kiên quyết rút khỏi Chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định. Qua thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu cho rằng, nguyên tắc lập và điều chỉnh chương trình xây dựng luật là cơ sở để xây dựng chương trình. Do đó, căn cứ trên nguyên tắc này, Chính phủ xem xét việc trình các dự án luật một cách chắn chắn, không thể đưa vào, bỏ ra, lùi thời hạn trình các dự án luật một cách dễ dãi.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương- tỉnh Bắc Kạn thể hiện sự đồng tình cao với nguyên tắc điều chỉnh Chương trình năm 2017 và lập Chương trình năm 2018. Theo đại biểu, nguyên tắc này ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Triệu Thị Thu Phương nêu rõ, nguyên tắc đã đặt ra, Quốc hội đã thảo luận việc xây dựng chương trình trên cơ sở các nguyên tắc này, nhưng Chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc gửi tài liệu của nhiều dự án vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định. Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương đề nghị Chính phủ, các cơ quan cần chuẩn bị hồ sơ một cách kỹ lưỡng, chắn chắn khi trình dự án luật để giảm thiểu một cách tối đa tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Cũng quan tâm về nguyên tắc lập và điều chỉnh chương trình, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm- tỉnh Phú Thọ cho rằng, các nguyên tắc đưa ra rất cụ thể, có tính thuyết phục cao. Đặc biệt, ngoài việc ưu tiên các dự án triển khai nghị quyết của Đảng; các dự án chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra; tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan để bảo đảm chất lượng, không phân công quá 03 dự án cho 01 cơ quan soạn thảo hoặc 01 cơ quan thẩm tra phụ trách; nguyên tắc còn kiên quyết cho rút khỏi Chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định.

Đề nghị đưa Luật an ninh mạng vào cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4

Tại buổi thảo luận, trong đề xuất một số dự án luật cần đưa vào chương trình, đại biểu Quốc hội Triệu Tuấn Hải – tỉnh Lạng Sơn đề nghị Quốc hội đưa Dự án luật an ninh mạng vào cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thông qua tại kỳ họp thứ 5. Đại biểu phân tích, trên thực tế hiện nay, tội phạm luôn tìm cách lợi dụng mạng công nghệ thông tin để tuyên truyền, kích động làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong khi đó, ngoài một số văn bản có đề cập đến tình hình an ninh mạng thì trong hệ thống pháp luật của nước ta chưa có quy phạm pháp luật quy định về công tác an ninh mạng.  Do đó, việc sớm đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật sẽ góp phần làm tốt việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng công an nói riêng và các cấp, các ngành nói chung.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu – TP Hà Nội cho rằng, vấn đề an ninh mạng hiện nay đang là vấn đề toàn cầu, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường về an ninh và trật tự an toàn xã hội. Do đó, đề nghị Quốc hội đưa vào sớm hơn nữa trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Dự án luật an ninh mạng để đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội và an toàn chung của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu – TP Hà Nội phát biểu tại hội trường     Ảnh: Đình Nam

Cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ xây dựng văn bản luật

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy – TP Đà Nẵng đưa ra đề nghị, Quốc hội cần tính đến việc xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên về soạn thảo văn bản pháp luật. Đại biểu chỉ ra rằng, trên thực tế nước ta hiện nay, các văn bản pháp luật được soạn thảo bởi nhiều cơ quan khác nhau. Mặc dù cơ chế hậu kiểm có được xác lập nhưng đây là việc làm không dễ. Khoảng cách giữa chương trình và việc thực hiện cho thấy khả năng soạn thảo của các cơ quan này còn chưa hoàn thiện. Văn phong nghị quyết và tuyên ngôn vẫn còn ưa dùng, chưa có tính khoa học pháp lý. Do đó, nếu có đội ngũ chuyên ngiệp soạn thảo thì sẽ đảm bảo các văn bản pháp luật được thể hiện một cách chính xác bằng ngôn ngữ pháp lý với một kỹ thuật thống nhất. Có như vậy việc soạn thảo các dự án luật mới có chất lượng cao hơn. 

Cũng quan tâm về chất lượng lực lượng xây dựng văn bản luật, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu – TP Hà Nội cho rằng, qua thực tế cho thấy, nhiều cơ quan chưa thực sự quan tâm để đưa đội ngũ có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm, lý luận sâu sắc, phong phú tham gia vào việc xây dựng luật. Do vậy, chất lượng các nội dung góp ý để đại biểu thảo luận vẫn còn những quy định, câu chữ kém chất lượng. Do đó, đại biểu đề nghị cần có kế hoạch nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ xây dựng luật, nhất là các ban soạn thảo ở các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo, trình các dự án luật.

Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa – tỉnh Phú Yên cho rằng, năng lực đội ngũ làm luật còn hạn chế là một trong những nguyên nhân gây nên sức sống yếu kém của một số luật. Tại các cơ quan soạn thảo vẫn còn tồn tại hiện tượng chưa quy trách cụ thể đến từng cá nhân chịu trách nhiệm việc soạn thảo từng nội dung của luật. Do đó, đại biểu đề nghị cần khắc phục ngay hiện tượng kém chất lượng trong lực lượng soạn thảo văn bản pháp luật để nâng cao tuổi thọ và tính ổn định cho các dự thảo luật, bộ luật.

Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội hôm nay. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan trình dự án luật cần tập trung vào các dự án luật mà cuộc sống đòi hỏi, để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Hồ Hương

Các bài viết khác