Các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ số 09
Tại tổ số 09 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, Thái Bình và Đồng Nai, cho ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Xuyền – tỉnh Thái Bình bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật tố cáo (sửa đổi); đồng thời cho rằng do sự thay đổi trong quá trình làm luật từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo sang Luật tố cáo (sửa đổi) do đó nhiều văn bản trong hồ sơ dự án Luật còn sơ sài, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động các chính sách mới của dự thảo Luật. Đại biểu Bùi Văn Xuyền đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các nội dung trong hồ sơ dự án Luật nhằm tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm chất lượng của văn bản luật.
Liên quan đến các quy định về bảo vệ người tố cáo, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết, thực tế các quy định này trong dự thảo Luật là luật hóa các quy định đã có trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tố cáo, đồng thời khẳng định nếu công tác bảo vệ người tố cáo được thực hiện tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác giải quyết tố cáo, tăng cường sự tin tưởng của người dân. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến các hình thức bảo vệ người tố cáo còn những nội dung cụ thể như phương thức, nguồn lực thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan thì còn quy định chung chung, chưa có đột phá so với các quy định trước đây. Do đó nếu giữ các quy định về bảo vệ người tố cáo như trong dự thảo Luật sẽ khó giải quyết những vấn đề đã tồn tại từ trước đến nay. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, quy định rõ các nội dung nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc bảo vệ người tố cáo như phương án báo vệ, kinh phí thực hiện, thời gian thực hiện.
Tán thành với ý kiến của đại biểu Bùi Văn Xuyền, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ quy định các hình thức bảo vệ người tố cáo mà chưa có quy định về chế tài. Đại biểu Nguyễn Hồng Diên cũng đặt vấn đề, dự thảo luật có quy định người tố cáo phải được bảo vệ bí mật đời tư, danh tính vậy thì cơ quan giải quyết tố cáo sẽ phải phối hợp với các cơ quan có liên quan như chính quyền địa phương, cơ quan công an địa phương nơi người tố cáo và người thân của họ sinh sống như thế nào để bảo vệ người tố cáo, người thân người tố cáo và tài sản của họ khi không được tiết lộ danh tính.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm phát biểu góp ý về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)
Nhất trí với đề nghị cần xem xét lại các quy định của dự thảo Luật có bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn hay không, đại biểu Hồ Văn Năm – tỉnh Đồng Nai cho rằng phải xác định rõ cơ quan, lực lượng có trách nhiệm bảo vệ trực tiếp người tố cáo, hình thực bảo vệ, xác định trách nhiệm của người giải quyết tố cáo. Đại biểu cũng đề nghị cần phải thành lập cơ quan chuyên trách của lực lượng vũ trang để bảo vệ người tố cáo.
Trong khi đó, tại Tổ số 03 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Đà Nẵng và Trà Vinh, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – tỉnh Nghệ An cho rằng, dự thảo luật quy định cơ quan công an các cấp phải chịu trách nhiệm bảo vệ là không đúng với chức năng và thẩm quyền. Nêu rõ lực lượng Công an nhân dân chỉ có chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, trong trường hợp các cơ quan đứng ra để giải quyết tố cáo mà yêu cầu bảo vệ cho người tố cáo hoặc người thân của người tố cáo thì các cơ quan ấy phải thuê vệ sỹ bảo vệ, hoặc nếu yêu cầu công an thì cũng phải bỏ kinh phí ra để thuê. Cho rằng các quy định tại Điều 40, 45, 46 của dự thảo luật là rất nặng cho công an như quy định lực lượng công an từ công an xã trở lên đều tham gia bảo vệ người tố cáo và người thân người tố cáo, đại biểu đề nghị xem xét và tiết chế lại, quy định trong trường hợp cụ thể nào thì công an mới bảo vệ người tố cáo, người thân người tố cáo.
Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại Tổ số 03
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – TP. Đà Nẵng cho rằng dự án Luật chưa bảo đảm chế tài rõ ràng, cụ thể đối với các chủ thể là người giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, người tố cáo và người giải quyết tố cáo. Đại biểu phân tích, hiện nay do cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao cho nên trách nhiệm của người đứng đầu không được rõ, đòi hỏi phải có chế tài đối với nhóm người này thật rõ ràng trong luật. Đối với người tố cáo là những cán bộ, công chức, viên chức lo sợ bị trù dập, không ai bảo vệ có thể buộc họ phải tố cáo bằng những hình thức không như luật quy định. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật làm mất đoàn kết nội bộ cơ quan, gây ra những thiệt hại khác thì cũng cần có chế tài xử lý trong trường hợp này. Đối với người giải quyết khiếu nại tố cáo, cũng cần có chế tài để xử lý một số trường hợp lợi dụng quyền hạn bắt tay với người bị tố cáo quay lại gây khó dễ đối với người tố cáo.
Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật có có quy định bảo đảm chế tài đối với cả ba đối tượng nêu trên để việc thực hiện quyền tố cáo và giải quyết tố cáo được minh bạch, vừa bảo vệ quyền của người tố cáo vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người có liên quan khác, lợi ích của tập thể của Nhà nước.
Trăn trở về tính khả thi của quy định về bảo vệ người tố cáo, đặc biệt là quy định về bảo vệ việc làm, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang – tỉnh Nghệ An nêu, dự thảo luật quy định trong trường hợp thấy có nguy cơ bị xâm hại thì người tố cáo hoặc người thân thích có quyền yêu cầu công đoàn cơ sở bảo vệ mình, tức là công đoàn cơ sở làm nhiệm vụ kiểm tra xác định để áp dụng biện pháp bảo vệ. Đại biểu cho rằng, quyết định của công đoàn cơ sở khó có hiệu lực đối với thủ trưởng cơ quan bởi những người trong công đoàn cơ sở thường là cấp dưới của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần sửa theo hướng người tố cáo có quyền yêu cầu công đoàn cấp trên cơ sở có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.