Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Luật (từ 2009 đến nay), Luật quản lý nợ công đã góp phần quan trọng trong huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước; tạo điều kiện cho địa phương huy động vốn vay phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt thông qua hình thức Chính phủ bảo lãnh và cho vay lại; cơ cấu nợ có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng vay trong nước, giảm tỷ trọng vay nước ngoài; chủ động bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, qua đó góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước. Tuy nhiên, thực tế cũng đã bộc lộ một số tồn tại như chưa thống nhất quan điểm có hay không tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp cho việc lập, thực hiện, giám sát thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch về nợ công để tương thích với các Luật mới ban hành như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và tiệm cận với thông lệ tốt của quốc tế; chưa phân định rõ ràng và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư công.
Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận chiều nay là làm rõ phạm vi, công cụ, quy định về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ, vay nợ của chính quyền địa phương; phân định rõ ràng giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công với quản lý nợ công; tăng cường giám sát, quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn nợ công; hoàn thiện công tác thống kê, kế toán, kiểm tra, thanh tra; tăng cường trách nhiệm giải trình gắn với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công.
Phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo luật, trong đó không tính nợ công vào các khoản tự vay, tự trả của các doanh nghiệp nhà nước là cách tính được đa số đại biểu đồng tình.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 2
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc – Tp Hồ Chí Minh (Tổ 2) cho rằng, việc không đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế tự vay tự trả để tách bạch trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm trả nợ của nhà nước, Chính phủ là phù hợp với pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ nước ngoài có thể ảnh hưởng đến chỉ số tín nhiệm của Chính phủ khi huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế. Do đó, nếu không điều chỉnh trong dự thảo luật này thì cần có các quy định pháp luật khác để quản lý chặt chẽ các khoản vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, còn một số nghĩa vụ nợ công tiềm ẩn khác chưa được thể hiện trong định nghĩa nợ công hiện nay nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh nợ công hay các khoản chi phí làm tăng áp lực tài trợ lên ngân sách tương lai. Do đó, mặc dù không tính vào quy mô nợ công nhưng dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung thêm các điều khoản quy định kiểm soát các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn kể trên để phòng tránh các rủi ro vượt trần nợ công, dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.
Theo đại biểu Quốc hội Tô Thị Châu- TP. Hồ Chí Minh, việc doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị công lập tự vay, tự trả là quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Quy định như vậy là phù hợp với cách tiếp cận của Luật Doanh nghiệp và một số luật khác. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần phân định rõ đâu là nợ công, đâu là nợ do các doanh nghiệp tự vay, tự trả.
Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu tại nhiều tổ cho rằng Chính phủ đang phải oằn mình trả nợ thay cho các doanh nghiệp. Nhiều nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài, đến khi doanh nghiệp thua lỗ, Chính phủ buộc phải đứng ra trả nợ. Vì vậy, theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng- tỉnh Bến Tre (Tổ 5), cần quản lý nợ công thật sự chặt chẽ, khoa học bởi nợ công liên quan đến việc đầu tư, chi tiêu, chính sách tài khóa ngắn hạn, trung hạn, dài hạn... Vì vậy, phải có được cơ chế pháp lý hỗ trợ cho cơ chế kinh tế để chúng ta đảm bảo quản lý tốt rủi do nợ.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 10
Về quản lý rủi ro đối với nợ công, quy định tại điều 5 dự thảo Luật, một số đại biểu cho rằng, quy định hiện nay chỉ mới dừng lại ở mức liệt kê tên rủi ro và phân công Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, giám sát các loại rủi ro chứ chưa làm rõ các tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng loại nợ công. Do đó, các đại biểu đề nghị cần thiết ban hành các văn bản dưới luật quy định về danh mục các khoản chi, đầu tư sử dụng nợ công và các tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro cho từng khoản mục, làm cơ sở để đánh giá “chất lượng” nợ công.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi).