Cần ưu tiên nguồn lực cho cải tạo, nâng cấp, bảo trì hạ tầng đường sắt

30/05/2017

Sáng 30/5, trong phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đường sắt (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, đã đến lúc cần ưu tiên nguồn lực cho cải tạo, nâng cấp, bảo trì hạ tầng đường sắt, vì xây dựng đường sắt hiện đại là đầu tư cho phát triển tiềm lực kinh tế và quốc phòng.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đường sắt (sửa đổi) nêu rõ, về chính sách phát triển đường sắt, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã rà soát, chỉnh sửa Điều 5 của Dự thảo Luật; theo đó, Khoản 1 quy định Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển Giao thông vận tải đường sắt; Khoản 2 và Khoản 5 quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt; phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng có kết nối với đường sắt quốc gia; Khoản 4 đã bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để phát triển đường sắt hiện đại.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đánh giá, Ban soạn thảo đã có nhiều điểm thống nhất với ý kiến của cử tri và các đại biểu. Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống, cần có quyết tâm chiến lược và cơ sở vật chất đảm bảo cho quyết tâm đó.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn - tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội trường     Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn - tỉnh Ninh Bình phân tích, về chính sách phát triển của đường sắt tại Khoản 1, Điều 5 của dự thảo luật mới quy định nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được phê duyệt. Như vậy, có thể thấy quy hoạch phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực phải dựa trên chính sách phát triển của ngành, lĩnh vực đó chứ chính sách phát triển không phải theo quy hoạch đã được phê duyệt. Vì vậy, nội dung quy định tại Khoản1, Điều 5 của dự thảo luật sửa đổi lần này vừa không lôgic, vừa không rõ ràng, vì không biết được quy hoạch được phê duyệt nó sẽ như thế nào. Đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại Khoản 1, Điều 5 như sau: Ưu tiên nguồn lực cho cải tạo nâng cấp bảo trì bảo vệ hạ tầng một số tuyến đường thuộc về hệ thống đường sắt quốc gia hiện có để nâng cao tốc độ chạy tàu, năng lực vận tải và đảm bảo an toàn trong giao thông vận tải đường sắt. Phát triển đường sắt đô thị hiện đại tại các thành phố lớn để giải quyết sự quá tải giao thông đô thị và bảo vệ môi trường, nhà nước đóng vai trò chủ đạo, xây dựng tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam hiện đại, vận chuyển tốc độ cao phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ phát triển của đất nước để kết nối các đô thị, trung tâm kinh tế lớn.

Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn - Long An đề nghị, cần thiết phải mạnh dạn cụ thể hóa hơn chủ trương phát triển ngành đường sắt Việt Nam trong điều luật, cần thiết phải quy định mức tối thiểu đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt và giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế quyết định tỷ trọng đầu tư xây dựng đường sắt trong tổng mức đầu tư công cho ngành giao thông vận tải.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chương - TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường    

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chương - TP Hồ Chí Minh cho rằng, Ban soạn thảo đã có nhiều điểm thống nhất nhận thức của cử tri và của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ thống nhất về nhận thức quan điểm chưa đủ và phải có một quyết tâm chiến lược và cơ sở vật chất để đảm bảo cho quyết tâm đó. Đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ phải hạ quyết tâm chiến lược trong hôm nay để đặt nền móng cho vài thập kỷ nữa để có một hệ thống đường sắt và một ngành công nghiệp đường sắt hiện đại.

Từ quyết tâm chiến lược này, đại biểu đề nghị Chính phủ tìm nguồn vốn để canh tân ngành đường sắt. Vì theo đại biểu, xây dựng đường sắt hiện đại là đầu tư cho phát triển tiềm lực kinh tế và quốc phòng, đồng thời có tác dụng trực tiếp đến tăng cường sức mạnh quốc phòng để bảo vệ hòa bình cho đất nước, bảo vệ biển đảo. Trong thời gian trước mắt, đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ: "Xin đừng quên ngành đường sắt như mấy chục năm qua ta đã quên ngành vận tải chiến lược này".

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa giải trình tại Hội trường

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa báo cáo với các đại biểu Quốc hội, trong thời gian vừa qua ngành đường sắt được quan tâm rất hạn chế. Sau 100 năm, đường sắt của chúng ta cứ kém dần đi và cho đến hiện nay, thực sự rất lạc hậu.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, các đánh giá của các đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm đó và hết sức xác đáng. Ban soan thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc và hoàn thiện để báo cáo trình các đại biểu Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Đặng Mai

Các bài viết khác