Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý ngoại thương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến đề nghị quy định về thẩm quyền của Bộ Công Thương theo hướng minh bạch, có cơ chế kiểm soát, giám sát; rà soát quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương để đảm bảo không trái với quy định về chức năng, nhiệm vụ của bộ. Có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành có liên quan; xác định vai trò, vị trí, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương cho chính quyền địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các nội dung này tại Điều 7 của dự thảo Luật theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về ngoại thương; quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương và làm rõ việc phân cấp cho chính quyền địa phương liên quan đến một số lĩnh vực như quy định về cơ chế điều hành hoạt động thương mại biên giới (Điều 55), về phát triển ngoại thương (Chương VI).
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân – tỉnh Thái Bình
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy – tỉnh Hậu Giang cho rằng, dự thảo luật còn giao cho Bộ công thương rất nhiều thẩm quyền, do đó cần bổ sung quy định theo hướng minh bạch, công bằng có cơ chế kiểm soát, giám sát; cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan, quy định rõ ràng và mạnh dạn phân cấp cho các địa phương để phát huy tốt vai trò trong quản lý địa phương.
Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân – tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, dự thảo Luật giao quá nhiều nội dung cho Bộ trưởng hoặc Bộ Công Thương hướng dẫn và thực thi theo luật này, muốn thi hành được sẽ phải phát sinh nhiều văn bản hướng dẫn kèm theo. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý theo hướng những nội dung nào có thể quy định chi tiết ngay tại dự thảo luật này để bảo đảm nguyên tắc công khai minh bạch cụ thể hơn, rõ hơn từng nội dung nhằm khắc phục những bất cập, bức xúc lợi ích nhóm, cơ chế xin cho trong hoạt động này những năm trước.
Đồng thời, đối với các biện pháp quản lý hành chính trong hoạt động này, cần xác định rõ thẩm quyền của chủ thể quản lý nhà nước như Chính phủ, bộ, ngành, địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước ở mỗi cấp và làm rõ việc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương liên quan đến một số nội dung lĩnh vực phù hợp với thẩm quyền theo Luật tổ chức chính quyền. Mặc khác, phải quy định thêm điều khoản về nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trong các việc cải cách thủ tục hành chính áp dụng khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin trong việc điều hành cấp giấy phép quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong thực hiện luật này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân - TP Cần Thơ đề nghị bổ sung thêm Điểm g quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh nơi có hoạt động ngoại thương với các nước có chung đường biên giới để quy định của luật được đầy đủ rõ ràng và thống nhất với quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 54 và Khoản 2 Điều 55 của dự thảo luật này, tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương tại địa phương được thực hiện nhanh chóng, thông suốt và đúng pháp luật.
Về nguyên tắc quản lý nhà nước vể ngoại thương Điều 5, Khoản 1 quy định: "Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên". Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy – tỉnh Tuyên Quang đề nghị bổ sung thêm cụm từ "Hiến pháp" vào khoản này nhằm tăng cường tính hiến định tăng cường bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bảo đảm quyền con người trong hoạt động quản lý Nhà nước về ngoại thương.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thứ nhất, dự thảo văn bản luật này được xây dựng dựa trên tinh thần của Hiến định và Hiến pháp và đảm bảo những nguyên tắc cao nhất về quyền tự do kinh doanh, quyền tự do trong hoạt động xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật, hoàn toàn không có thêm bất cứ điều khoản, nội dung nào chứa đựng những giấy phép mới hoặc những quy định mang tính thủ tục, hành chính mới mà chúng ta chỉ tập hợp và thống nhất chung trong các nội dung này nhưng trên tinh thần có tiếp thu, có điều chỉnh sửa đổi để phù hợp với cam kết hội nhập và tinh thần của môi trường kiến tạo hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thứ hai, Luật phải xác định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước người dân, trước Quốc hội về đầu mối trong quản lý ngoại thương. Đồng thời, có cơ chế, biện pháp trong quản lý ngoại thương, có các cơ chế, biện pháp đi kèm để đảm bảo cơ chế chủ động phối hợp trong các lĩnh vực có liên quan với các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan chuyên ngành trong từng lĩnh vực chuyên môn sâu.
Thứ ba, Bộ trưởng khẳng định chắc chắn sẽ duy trì một cơ chế công khai, minh bạch, phải có những biện pháp cụ thể. Vì vậy trong luật này đã yêu cầu cơ quan soạn thảo luật và cơ quan đầu mối có trách nhiệm xây dựng nhanh nhất các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa những nội dung điều khoản với cơ chế rõ ràng, minh bạch, có tính tiên liệu trước.
Thứ tư, Bộ Công thương sẽ thực hiện rất rõ ràng, cụ thể, đầy đủ các cơ chế và nội dung liên quan đến việc phân cấp, giao trách nhiệm cho các cấp của chính quyền địa phương.
Thứ năm, tất cả những nội dung cụ thể liên quan đến các điều khoản, nội dung của Luật quản lý ngoại thương, Chính phủ và Bộ Công thương là đầu mối sẽ có trách nhiệm thực thi theo đúng quy định của luật pháp quốc tế liên quan đến thương mại, đặc biệt những nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới cũng như các khuôn khổ hội nhập mà Việt Nam đã tham gia.
Bộ Công thương cam kết thực hiện một cách đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao nhất và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.