Cần làm rõ khái niệm và nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

23/05/2017

Chiều 23/5, tại Nhà Quốc hội, phát biểu thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với quy định của Dự thảo Luật trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bởi cho rằng đây là chủ trương cần thiết trong giai đoạn hiện nay của nước ta. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ hơn khái niệm và một số nội dung về vấn đề này.

Làm rõ khái niệm và cách hiểu về doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Theo đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng- tỉnh Quảng Trị, khái niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Dự thảo luật còn khá chung, chưa rõ ràng cụ thể những doanh nghiệp nào thuộc mô hình này, mô hình kinh doanh mới là như thế nào, khả năng tăng trưởng nhanh được hiểu ra sao?. Đại biểu cho rằng điều này dẫn đến đối tượng được xác định là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo để được hưởng hỗ trợ không thống nhất giữa các cơ quan, giữa các doanh nghiệp và không mang tính minh bạch, khó khả thi trên thực tế, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng luật khác nhau. Do đó đề nghị làm rõ khái niệm và cách hiểu về doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, đưa ra những tiêu chí cụ thể mang tính định lượng, hoặc liệt kê để bảo đảm sự minh bạch trong quy định.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng đề nghị làm rõ khái niệm và cách hiểu về doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo        Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết đối với Việt Nam. Các văn bản pháp lý hiện nay về hỗ trợ các doanh nghiệp đều là văn bản dưới luật, không đủ cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp một cách đồng bộ, có hiệu quả. Vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có những giải pháp đồng bộ đối với tất cả những nội dung cần thiết để đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động công bằng, có hiệu quả, làm nền tảng cho sự phát triển đất nước.

Nhất trí đánh giá việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là chủ trương cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết- tỉnh An Giang cho rằng, điều này sẽ nhằm tạo ra sản phẩm mới để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ công nghệ mô hình kinh doanh mới để tạo sự đột phá trong ngành kinh tế. Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế hiện nay khởi nghiệp sáng tạo vẫn là vấn đề còn nhiều mới mẻ, có nhiều cách hiểu khác nhau để xác định đúng đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, do đó để phát huy hiệu quả hệ thống chính sách trong dự án luật, tránh khe hở và nhầm lẫn giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp và doanh nghiệp lập nghiệp hoặc giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo với doanh nghiệp tư nhân thông thường. Do đó, Dự thảo Luật và các văn bản dưới luật cần làm rõ khái niệm, nội dung, tính chất, loại hình, quy mô v.v... của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo để chính sách hỗ trợ đúng đối tượng và không gây bàn cãi, lãng phí.

Quy định cụ thể hơn các nội dung về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Đặt câu hỏi việc quỹ khởi nghiệp sáng tạo sẽ do ai thành lập, quản lý và tổ chức hoạt động như thế nào?, đại biểu Tô Văn Tám- tỉnh Kom Tum cho rằng, ở quỹ bảo lãnh tín dụng quy định tại Điều 9 sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Điều 20 do Chính phủ thành lập và đều hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Như vậy, cần làm rõ quy định về chủ thể thành lập, vấn đề quản lý, mục tiêu hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

ĐBQH Tô Văn Tám đề nghị làm rõ quy định về chủ thể thành lập, vấn đề quản lý, mục tiêu hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Mặt khác, theo đại biểu Tô Văn Tám, tại Khoản 3 Điều 18 cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định tham gia quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, như vậy, theo quy định này có thể hiểu rằng chính quyền cấp tỉnh có thể tham gia vào quỹ này. Nhưng theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 thì quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân. Như vậy quỹ đầu tư khởi nghiệp ở đây là một loại quỹ hay 2 loại quỹ, chính quyền cấp tỉnh tham gia vào quỹ khởi nghiệp sáng tạo là tham gia vào quỹ quy định ở Khoản 2, hay quỹ nào? Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến quy định này.

Đánh giá quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Điều 18 là một loại hình quỹ hoàn toàn mới ở Việt Nam, đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn- tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cần đánh giá chính xác, toàn diện tính hiệu quả của các quỹ đã được thành lập, từ đó có cơ sở thực tiễn xem xét việc có nên hay không nên thành lập thêm loại hình quỹ mới. Trường hợp thành lập mới thì cần làm rõ các vấn đề pháp lý về chu trình hoàn vốn, trình tự thủ tục pháp lý về thoái vốn của quỹ này khi doanh nghiệp được đầu tư thành công, cơ chế xử lý khi doanh nghiệp được đầu tư từ quỹ mà bị phá sản.

Cũng liên quan đến quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn- Tp. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét thêm việc tham gia của quỹ trung ương đóng góp vào quỹ khởi nghiệp sáng tạo của địa phương nhằm đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo như trong dự thảo đã trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 vừa qua.

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là hết sức cần thiết để cổ vũ, khuyến khích cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thực hiện các ý tưởng trên cơ sở khai thác các tài sản trí tuệ về công nghệ, tạo thêm các kênh để cung cấp vốn để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như tăng tính cạnh tranh giữa các quỹ hiện nay.

Quang Minh