Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là yêu cầu cấp bách

22/05/2017

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 22/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình               Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng nêu rõ, sau 04 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”, đến nay, về cơ bản, các tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, qua thực hiện đề án cũng bộc lộ một số hạn chế, cụ thể:  hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ; tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; quy định về thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước khi xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ… Việc không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém có thể dẫn tới những bất cập, thiếu hụt liên quan đến cơ sở pháp lý xử lý, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém không được giải quyết; mức độ an toàn hoạt động ngân hàng và nguy cơ rủi ro lan truyền; ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.

Như vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảngvà cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội theo định hướng của Quốc hội, Chính phủ cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Theo tờ trình, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng gồm 5 Điều, trong đó: Điều 1 về Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12; Điều 2 về bãi bỏ điểm a khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng; Điều 3 về quy định chuyển tiếp; Điều 4 về điều khoản thi hành; Điều 5 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016- 2020. Ủy ban Kinh tế nhận thấy các tài liệu của dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ quy trình và yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng điều kiện trình Quốc hội.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng, Ủy ban thẩm tra nhất trí với việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung như tại dự án Luật. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách cần sửa đổi tại Luật các tổ chức tín dụng để thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, kiềm chế phát sinh thêm nợ xấu, kiểm soát đầu tư chéo, sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về căn cứ xác định tổ chức tín dụng để đưa vào kiểm soát đặc biệt, Ủy ban thẩm tra tán thành việc bổ sung các căn cứ để đưa vào kiểm soát đặc biệt theo hướng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm chủ động, kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định chế tài đối với trường hợp các tổ chức tín dụng vi phạm quy định này, không kịp thời và chủ động báo cáo với Ngân hàng Nhà nước dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các căn cứ và trường hợp xác định tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để việc cơ cấu lại đó thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; cần làm rõ cơ sở pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khác hoặc cơ quan giám sát nước ngoài có liên quan  khi đưa ra ý kiến bằng văn bản liên quan đến tình trạng kiểm soát đặc biệt của tổ chức tín dụng.

Về thẩm quyền xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ủy ban thẩm tra nhận thấy quy mô hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tuy không lớn như quy mô hoạt động của các ngân hàng thương mại nhưng lại có tác động lớn về mặt xã hội trong trường hợp quỹ tín dụng nhân dân đổ vỡ, phá sản. Việc phá sản các quỹ tín dụng nhân dân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân, nên cần cân nhắc, thận trọng trong việc quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản. Do đó, Ủy ban thẩm tra nhất trí với quy định về thẩm quyền xử lý tại dự thảo Luật.

Về việc thành lập và nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt, Ủy ban thẩm tra đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các hình thức kiểm soát đặc biệt và thành phần Ban kiểm soát đặc biệt, nhất là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban kiểm soát đặc biệt bảo đảm sự công khai, minh bạch ngay tại dự án Luật. Ngoài ra, về nguyên tắc, Ủy ban Kinh tế đồng tình với việc thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nhưng đề nghị cân nhắc, xem xét quy định cụ thể hơn để bảo đảm quyền lợi của các bên còn lại trong hợp đồng và quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn về tác động đến ngân sách nhà nước khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính như quy định tại dự thảo Luật, đồng thời, đánh giá khả năng có thể huy động được các nguồn lực khác trong xã hội vào việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, do đây là dự án Luật quy định một số chính sách quan trọng, có nội dung phức tạp, vì vậy Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp Quốc hội: trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo đúng Nghị quyết số 379/2017/UBTVQH14 ngày 4/5/2017 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, đồng thời có thể xem xét việc áp dụng hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 để bảo đảm xử lý kịp thời các bất cập, tồn tại hiện nay.

Hồ Hương