Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo
Trình bày Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV Báo cáo đánh giá kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, trong đó có 11 chỉ tiêu trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội đề ra tại Nghị quyết Quốc hội đạt và vượt kế hoạch. Đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả thực hiện cả năm, Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 02 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (gồm: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,21%, thấp hơn kế hoạch là 6,7% và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9%, thấp hơn kế hoạch là 10%). Đánh giá lại tình hình thực hiện cả năm 2016 so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV, có 07 chỉ tiêu đạt cao hơn; 02 chỉ tiêu đạt thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Cụ thể, tốc độ tăng chỉ số giá CPI tháng 12/2016 so với tháng 12/2015 là 4,74% (số ước tính đã báo cáo là 4%), nhưng vẫn đạt chỉ tiêu là thấp hơn mục tiêu 5% đã được Quốc hội thông qua; tốc độ tăng trưởng GDP là 6,21%, (số ước tính đã báo cáo là 6,3% - 6,5%); 04 chỉ tiêu còn lại không đổi so với số đã báo cáo Quốc hội.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng duy trì mức tăng trưởng cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á và khu vực Đông Nam Á; thu ngân sách nhà nước đạt mục tiêu đề ra; kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc. Thu hút vốn FDI tăng cao; Công tác giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác có nhiều tiến bộ; đặc biệt đã đẩy mạnh thực hiện chính sách đối với người có công, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển…
Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2017 cũng có nhiều cải thiện: kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi; dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực; du lịch có khởi động tốt cho những tháng cao điểm; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá cao; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường…
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020, bên cạnh những kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2017 trên các lĩnh vực như báo cáo đã nêu, tình hình kinh tế- xã hội trong nước vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức: một số doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp có dấu hiệu lừa đảo trong thời gian dài trên phạm vi rộng, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý; thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế; Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn; Công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chui kéo dài trong nhiều năm đang trở nên nghiêm trọng, khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa được kiểm soát chặt chẽ...; Việc phân bổ nguồn nhân lực y tế còn chưa hợp lý, không đồng đều cả về số lượng và chất lượng giữa các vùng, các tuyến cơ sở y tế, tình trạng trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế còn xảy ra ở nhiều địa phương, ở các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập. Đặc biệt, hoạt động của tội phạm hình sự, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em, chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận xã hội. Tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, môi trường, sử dụng công nghệ cao diễn ra phức tạp. Chất lượng cuộc sống thiếu an toàn do tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến...
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ tính xác thực của các số liệu khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đều đạt và vượt trong khi đó chỉ tiêu GDP lại đạt thấp; thực hiện quyết liệt hơn nữa Đề án tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước để sớm giải phóng nguồn lực của Doanh nghiệp nhà nước, nâng cao thực chất quản trị doanh nghiệp thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư; đề nghị cần có đánh giá kỹ, toàn diện để chủ động có giải pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các giải pháp về nguồn lực.
Cùng với các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và các nhóm giải pháp mà Chính phủ đề xuất trong Báo cáo để khắc phục những hạn trong năm qua, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư bất động sản; tiếp tục triển khai quyết liệt trên thực tế Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến; thực hiện chính sách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu; quản lý chặt chẽ các loại tài sản công. Đặc biệt, tập trung xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giữ lợi thế cạnh tranh về lao động trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, hội nhập kinh tế quốc tế.