Toàn văn bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương "Ứng phó với biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững"

11/05/2017

Sáng 11/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khai mạc Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương "Ứng phó với biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững". Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị này.

 

Thưa Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới,

Thưa Ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới,

Thưa các vị lãnh đạo nghị viện, các vị Trưởng đoàn,

Thưa các Quý Bà, Quý Ông,

Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý đến từ nghị viện các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng các tổ chức quốc tế và khu vực đã có mặt tại đây để tham dự Hội nghị chuyên đề IPU khu vực về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn, thành phố năng động, phát triển và hiếu khách, đồng thời cũng là địa phương chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Thưa quý vị,

Quốc hội Việt Nam rất vui mừng được là Quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu và hành động của các nhà lập pháp nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Chúng ta biết rằng Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương, đặc biệt là những Quốc gia ven biển, Quốc đảo nhỏ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước, sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích của thành phố.

Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta, nên chúng ta cần phải tăng cường sự đoàn kết và cùng phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ gìn hành tinh xanh cho thế hệ tương lai. Đó chính là mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đã thống nhất thông qua tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2015.

Nhận thức được tầm quan trọng của biến đổi khí hậu đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Quốc hội Việt Nam đã nhất trí cao với IPU về nội dung nghị sự của Hội nghị chuyên đề lần này, đó là:

Một là, thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào Mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu;

Hai là, thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu;

Ba là, các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp;

Bốn là, việc huy động nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng.

Kết quả của Hội nghị sẽ được chuyển tới Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) để chia sẻ với các thành viên IPU, trong đó có đề xuất các giải pháp và hành động của Quốc hội, Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cùng ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong chương trình Hội nghị, chúng tôi tổ chức đi thăm thực địa huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh để quý vị có những trải nghiệm thực tế về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đồng thời tham khảo về mô hình chuyển đổi kinh tế nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp với IPU tổ chức Lễ Công bố Bộ công cụ tiêu chí cho các nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một văn bản quan trọng, cung cấp thông tin về các Mục tiêu phát triển bền vững, khuôn khổ hành động, sự tham gia của các Nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện các SDG.

Thưa toàn thể hội nghị,

Tôi tin tưởng rằng, với trách nhiệm, tâm huyết của Quốc hội Việt Nam, sự tham gia tích cực và đóng góp ý kiến quý báu của các diễn giả, các vị là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các Nghị sỹ và các chuyên gia hàng đầu về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững trong nước và quốc tế, Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” sẽ thành công tốt đẹp. Với tinh thần đó, tôi trân trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị.

Chúc Ngài Chủ tịch, Ngài Tổng thư ký IPU, các vị Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội các nước, cùng toàn thể các vị đại biểu Quốc hội và các vị khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin chân thành cảm ơn.