Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường: Xác định xây dựng nông thôn là quá trình bền bỉ, lâu dài

04/11/2016

Giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Chương trình xây dựng nông thôn mới không phải một giai đoạn nhất định mà là cả quá trình bền bỉ, lâu dài.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường Giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội               Ảnh: Đình Nam

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 nội dung lớn của đất nước mà trong quá trình chỉ đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ luôn có chính sách chủ trương cho từng thời kỳ. Trên tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã có chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là chương trình hành động tổng thể cùng với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp để thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn

Giải trình về những tồn tại của Chương trình xây dựng nông thôn mới như các đại biểu Quốc hội nêu như: Một số xã mặc dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành hoặc không đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu, chưa đảm bảo theo quy định…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định sẽ tập trung để chỉ đạo, khắc phục những yếu kém này, rà soát trên tất cả các ngành từ Trung ương đến địa phương, quy rõ trách nhiệm để có những nhóm giải pháp, phù hợp, thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tới; nhất trí thời gian tới sẽ có nghị quyết chuyên đề trên tinh thần kết quả giám sát, làm cơ sở luận cứ để các cấp từ Trung ương, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cho đến địa phương chúng ta phải đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho mình.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, vấn đề xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, là nội dung chính của việc công nghiệp hóa nông thôn ở giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, phải tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ và giải quyết, thực hiện quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Thêm vào đó, đây cũng là chương trình phải xác định liên tục, kéo dài, bền bỉ, không phải một giai đoạn nhất định. Từng giai đoạn phải có giải pháp nhất định, hết sức kiên trì, đồng bộ, tất cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế vào cuộc, người dân xác định là chủ thể vấn đề này vào cuộc thì mới thành công.

Với khu vực rộng lớn như vậy, xuất phát điểm rộng lớn như vậy, đã đến lúc chúng ta hình dung khu vực nông thôn không chỉ là chính sách phải tập trung ưu tiên vào đây mà đây là dư địa phát triển, không gian phát triển của đất nước, đây cũng là lợi thế của cạnh tranh, hội nhập thị trường thế giới. Từ quan điểm này nên nhìn nhận khu vực nông nghiệp, nông thôn phải ở khía cạnh tiềm năng. Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phải có một nguồn lực xứng đáng tập trung đầu tư; mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiện nay vẫn còn ít; nếu coi là tiềm năng lợi thế, chúng ta phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa, để khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, về phân bổ nguồn lực, mặc dù nguồn lực đầu tư trung hạn rất khó khăn nhưng Chính phủ đã họp và quyết định 2 chương trình lớn. Đó là chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và chương trình xóa nghèo bền vững. Hai chương trình này giữ nguyên theo quyết định của Quốc hội, không được chỉnh sửa, mặc dù tổng chương trình đầu tư cho trung hạn của chúng ta theo với trình của Quốc hội cuối năm 2015 vừa qua chỉ đảm bảo 60% nhưng 2 chương trình này Chính phủ quyết định không được cắt giảm và phải tập trung, Chính phủ cũng quyết định trình với Quốc hội kỳ này dành 25.000 tỷ đồng cho vốn trung hạn để hỗ trợ ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng hợp tác xã bổ sung điều lệ và dành phần hỗ trợ chính sách để trong 5 năm tới 2 khối ngân hàng này cùng Ngân hàng thương mại huy động ít nhất 1 triệu tỷ cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo nguồn lực. Chính sách này các thành viên Chính phủ vừa qua đã bàn rất kỹ vấn đề này.

Một điểm nữa, các đại biểu ở các địa phương trao đổi thêm là cần phân bổ nguồn lực một cách hợp lý thì tất cả những vùng có đặc thù phát triển kinh tế khó khăn đã được đưa lên nhóm phân bổ tiêu chí 5 lần so với những vùng khác. Còn những xã bình thường thì 1 lần, những xã vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn đã được tính vào tiêu chí phân bổ gấp 4, 5 lần cho phù hợp. Do đó, tinh thần này các thành viên Chính phủ đã tiếp thu, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định như vậy.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội trường

Sẽ tiếp thu, chỉnh sửa bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, điều kiện của các vùng, miền, địa phương.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo tiếp thu tinh thần chung của tất cả các đại biểu Quốc hội để chỉnh sửa bộ tiêu chí và lồng ghép thêm 11 nội dung yêu cầu của phát triển bền vững Liên Hợp Quốc, cộng thêm yếu tố phát triển an ninh quốc phòng, cộng thêm bình đẳng giới ra được bộ tiêu chí mới 19 tiêu chí trên một tinh thần chung.

Đầu tiên là phải xác định nhóm tiêu chí cứng. Kỳ này phải xác định cho rõ nhóm tiêu chí cứng bao gồm: Tập trung đẩy mạnh sản xuất coi như là tiêu chí chính, đẩy mạnh thu nhập của nhân dân vùng nông thôn đó là tiêu chí cứng; Xử lý vấn đề môi trường, xử lý vấn đề tai nạn, tệ nạn, củng cố hệ thống chính trị đây là những nhóm tiêu chí chính. Các thiết kế hạ tầng từ trạm, nhà văn hóa, nghĩa trang, từ đường, từ thủy lợi căn cứ đặc điểm từng vùng, từng miền, từng tỉnh, trình độ phát triển và quá trình đặc thù riêng của mình để Chủ tịch tỉnh có những quy định phù hợp nhất.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chia sẻ một khía cạnh nữa về con số nợ cuối năm 2015 là 15 nghìn tỷ. Bộ trưởng nêu rõ, thứ nhất, bản thân một số địa phương, một số khu vực có việc như báo cáo giám sát, tức là ở đó có phong trào, huy động sức dân. Nhưng ở đây có một nhóm cần chia sẻ, thời điểm chúng ta giám sát, khi đó 2 khu vực là đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ tại sao có câu chuyện là số xã nông thôn mới nhiều nhưng tỷ lệ nợ đọng lại nhiều đến mức như vậy, thậm chí có những tỉnh 1.600 tỷ. Cuối năm 2015 là thời kỳ 2 khu vực này phát triển xây dựng nông thôn mới ở một phong trào rất cao. Lúc này đang là thời kỳ hoàn thiện các công trình, có nơi đang hoàn thiện thi công, có nơi hoàn thiện hồ sơ, có nơi hoàn công. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đến giờ phút này con số chính thức thì tất cả những tỉnh này đã giải quyết một phần rất lớn số nợ đọng.

Đặng Mai- Minh Hằng