Năm qua, QH đã đạt nhiều kết quả cụ thể, tương đối ấn tượng và đáng ghi nhớ

18/02/2014

Với cách làm tốt, năm 2013, QH đã đạt nhiều thành quả, được dư luận cử tri và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao. Đặc biệt, thái độ cầu thị và cởi mở trong quá trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH đã tạo nên phong cách mới trong thảo luận của QH. Nhờ vậy, QH đã đạt những kết quả cụ thể, tương đối ấn tượng và đáng ghi nhớ liên quan đến những quyết sách lớn, trong đó có việc thông qua Hiến pháp (sửa đổi). ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ ĐÀO TRỌNG THI nhận định như vậy khi trao đổi với PV Báo ĐBND về hoạt động của QH trong năm 2013. Hiến pháp lần này viết đúng tính chất của một đạo luật gốc, các nội dung hiến định có tầm khái quát cao

Thưa Chủ nhiệm, đánh giá về kết quả hoạt động của QH trong năm 2013, có lẽ không thể không nhắc tới sự kiện QH thông qua Hiến pháp (sửa đổi). Và kể từ ngày đầu tiên của năm mới 2014, Hiến pháp đã có hiệu lực thi hành. Chủ nhiệm chắc hẳn còn giữ nhiều cảm xúc về sự kiện này?

 - Trong năm qua, QH đã bàn, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Cùng với cách làm tốt, QH đã đạt nhiều kết quả, thành quả tốt, được dư luận cử tri và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao. Trong những nội dung quan trọng mà QH đã quyết đáp trong năm qua, có thể nói, kết quả liên quan đến sửa đổi Hiến pháp là rất đáng ghi nhận. Bởi lẽ, gọi là Hiến pháp (sửa đổi) nhưng lần này hầu hết các chương, điều của Hiến pháp năm 1992 đều được sửa đổi, bổ sung, gần như là sửa toàn diện, ít nhất là sửa về kỹ thuật viết. Chỉ có 7 điều giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992 và những điều này thuộc cơ cấu cứng của một bản Hiến pháp. Đáng chú ý hơn, Hiến pháp (sửa đổi) lần này không trình bày quá cụ thể như Hiến pháp trước mà viết đúng tính chất của một đạo luật gốc, các nội dung hiến định có tầm khái quát cao.

- Cụ thể những điểm mới, khác biệt nổi bật trong bản Hiến pháp mới là gì, thưa Chủ nhiệm?

Thứ nhất, có thể thấy, rất nhiều điều của Hiến pháp (sửa đổi) được viết sâu sắc hơn, thậm chí là khác biệt lớn so với dự thảo ban đầu. Điều này chứng tỏ Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã rất cầu thị, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của nhân dân, của ĐBQH. Ví dụ Hiến pháp lần này có những bổ sung quan trọng đối với vấn đề đất đai, đặc biệt là việc thu hồi đất. Trên cơ sở nội dung hiến định về đất đai, QH đã xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) một cách rất nghiêm túc, trong đó cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp. Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) – được QH thông qua trong cùng một kỳ họp, đã bổ trợ cho nhau.

Như bạn biết, với nội dung về việc thu hồi đất, xuất phát từ Nghị quyết của Trung ương, ở Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đầu tiên trình QH quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Có thể hiểu rằng, việc nói chung đưa các dự án phát triển kinh tế – xã hội ra sau lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là nhằm giảm nhẹ sự dị ứng của dư luận với việc thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế. Nhưng với quy định này, dư luận chung và các ĐBQH vẫn băn khoăn: thế nào là các dự án phát triển kinh tế - xã hội thật cần thiết? Nếu xét về câu chữ thì 3 trường hợp thu hồi đất: vì lý do quốc phòng an ninh; vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; và vì các dự án phát triển kinh tế – xã hội, không theo chung một tiêu chí.  Bởi hai trường hợp đầu và cuối theo tiêu chí mục đích gì, còn trường hợp thứ hai lại nói về lợi ích của ai. Hơn nữa, vì mục đích quốc phòng, an ninh thực chất cũng là vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhưng vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội (mà chưa có vế sau vì lợi ích quốc gia, công cộng) thì có thể là vì lợi ích chung, mà cũng có thể chỉ vì lợi ích cá nhân, hay lợi ích nhóm, kể cả đối với dự án có quy mô lớn.

Cuối cùng, sau quá trình thảo luận, trong Dự thảo trình QH thông qua, nội dung này đã được chỉnh lý theo hướng khẳng định Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều này thể hiện sự nghiên cứu, cân nhắc cẩn trọng, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của ĐBQH, của nhân dân. Và việc gần như đến phút cuối cùng nội dung này mới được tiếp thu, chỉnh lý trong Dự thảo chứng tỏ QH đã làm việc nghiêm túc và đưa ra quyết định đúng đắn, mặc dù nội dung thông qua khác với dự kiến ban đầu.

Thứ hai, Luật Đất đai (sửa đổi) được QH thông qua ngay sau khi thông qua Hiến pháp đã cụ thể hóa quy định nêu trên. Tôi thấy thỏa đáng. Hiến pháp và Luật Đất đai đã giải quyết được vấn đề mục đích thu hồi đất, phạm vi thu hồi đất để ĐBQH cũng như nhân dân không còn phải băn khoăn về chuyện có hay không việc lạm dụng thu hồi đất vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm? Trong Luật Đất đai quy định cụ thể hơn về cơ chế định giá đất, làm rõ nguyên tắc thế nào là sát với giá thị trường. Đương nhiên, thực hiện quy định này cũng không phải dễ. Bởi thực tế Luật Đất đai năm 2003 đã quy định về giá đền bù phải sát giá thị trường ở thời điểm thu hồi đất, nhưng như thế nào là sát với giá thị trường? Bây giờ có những chỗ chưa có thị trường thì căn cứ vào đâu để tính? Hay có những trường hợp không áp dụng được cơ chế thị trường, vì không thể tổ chức đấu thầu? Hơn nữa, làm thế nào để việc định giá quyền sử dụng đất bảo đảm tính khách quan. Theo Luật Đất đai 2003 thì thẩm quyền thực hiện tất cả các khâu này tập trung vào UBND các tỉnh. Vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải có cơ chế thẩm định, tư vấn về giá quyền sử dụng đất một cách độc lập. Và giá được thẩm định độc lập, khách quan này phải là một yếu tố quan trọng quyết định giá quyền sử dụng đất. Đây là những điều đang vướng trong thực tế và dư luận rất băn khoăn. Lần này, trong Luật Đất đai (sửa đổi), chúng ta đã cố gắng giải quyết, có thể là vẫn chưa thỏa mãn hết băn khoăn của các ĐBQH, nhưng đã có thể chấp nhận được. Bằng chứng là khi biểu quyết thông qua Luật Đất đai, tỷ lệ tán thành đạt cao, gần 90%.

- Với Chương về Chính quyền địa phương, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là một thành công lớn của Hiến pháp lần này… thưa Chủ nhiệm?

- Ở Dự thảo ban đầu trình QH, vì chưa có kết quả tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, trong khi đó, thí điểm Chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh mới được Trung ương đồng ý về chủ trương, nên Chương về Chính quyền địa phương trong Dự thảo ban đầu được thiết kế theo hướng chỉ hiến định về nguyên tắc một cách khái quát. Nhưng việc một thiết chế quan trọng của Nhà nước pháp quyền là chính quyền địa phương lại không được đề cập chi tiết trong Hiến pháp mà giao cho Luật quy định (trong khi Hiến pháp hiện hành lại quy định khá cụ thể về nội dung này) đã không được sự đồng tình của nhiều ĐBQH cũng như của cử tri và nhân dân.

Qua theo dõi, có thể thấy, ý kiến chung đều không phản đối sự đổi mới về tổ chức chính quyền địa phương, nhưng đòi hỏi phải quy định rõ nội dung này ngay trong đạo luật gốc là Hiến pháp. Cũng có ý kiến theo hướng ngược lại, đề nghị nếu không quy định cụ thể trong Hiến pháp thì sẽ lại tổ chức HĐND và UBND ở cả 3 cấp đơn vị hành chính, giống hệt nhau ở tất cả các địa phương. Thực tế cho thấy, quy định như vậy sẽ không phù hợp với tính chất của chính quyền địa phương ở các loại địa bàn khác nhau và đồng nghĩa sẽ bỏ qua cơ hội để đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Nói cách khác, nếu giữ nguyên quy định của Hiến pháp năm 1992 về chính quyền địa phương, trong bối cảnh đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở một số địa phương và thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh thì chúng ta sẽ tiếp tục vướng rào cản về Hiến pháp khi đổi mới vấn đề này trong thời gian dài sắp tới.

Đáng mừng là trong Hiến pháp (sửa đổi) QH thông qua, chúng ta đã xử lý được tình huống này. Và cũng phải đến phút chót, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới tìm được giải pháp: tách quy định về đơn vị hành chính và về chính quyền địa phương thành 2 điều, thay vì quy định trong 1 điều như những dự thảo trước. Trong đó, các cấp đơn vị hành chính quy định tại Điều 110 ngoài 4 cấp như hiện hành còn có thêm các đơn vị, hành chính – kinh tế đặc biệt. Còn điều về chính quyền địa phương thì quy định ở các đơn vị hành chính đều có chính quyền địa phương nhưng chỉ cấp chính quyền địa phương mới gồm cả HĐND, UBND và được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Đến đây, Hiến pháp mới giao Luật định. Việc cụ thể hóa của Luật là quy định có mấy cấp chính quyền địa phương và lựa chọn mô hình chính quyền địa phương ở các đơn vị hành  chính không phải là cấp chính quyền địa phương, còn mô hình cấp chính quyền địa phương thì phải có đủ cả HĐND và UBND theo hiến định. Tôi cho rằng, đây là một quá trình lao động sáng tạo để tìm ra giải pháp hợp lý thuyết phục được các ĐBQH, mặc dù quá trình thảo luận rất căng thẳng. Điều này thể hiện ở việc QH thông qua Hiến pháp với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối. Với Chương về chính quyền địa phương như vậy, chúng ta không những thuyết phục được các ĐBQH mà còn thuyết phục được cử tri và nhân dân cả nước, những người đang còn băn khoăn về vấn đề này trong Hiến pháp.

Cùng với nội dung về đất đai, các quy định về chính quyền địa phương là những kết quả rất quan trọng mà QH đã đạt được tại Kỳ họp cuối năm 2013. Nếu không có thái độ tiếp thu một cách cầu thị và xác đáng như vậy thì có lẽ sẽ không có được sự nhất trí cao khi biểu quyết thông qua Hiến pháp như vậy. Vì rằng, trong sửa đổi Hiến pháp lần này, dư luận xã hội cũng như các ĐBQH băn khoăn nhất là về 2 nội dung: vấn đề thu hồi đất và tổ chức chính quyền địa phương.

- Một nội dung khác trong Hiến pháp cũng có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của UBTVQH – cơ quan thường trực của QH. Là một thành viên của UBTVQH nhiệm kỳ này, Chủ nhiệm có hài lòng với nội dung sửa đã được thông qua trong Hiến pháp không?

- Về nhiệm vụ và quyền hạn của UBTVQH, trong Hiến pháp năm 1992 quy định trong các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH có chức năng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Quy định này thể hiện tinh thần QH hoạt động theo nguyên tắc tập thể. Mỗi ĐBQH có thẩm quyền và tính độc lập riêng. Bởi vậy, đối với QH, các cơ quan của QH không nên dùng từ lãnh đạo (sử dụng cho chế độ thủ trưởng). Nếu trao cho UBTVQH thẩm quyền lãnh đạo hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH trong bối cảnh đổi mới Nhà nước pháp quyền theo hướng tăng cường cơ chế giám sát quyền lực thì còn đâu tính độc lập để các cơ quan của QH tiến hành các hoạt động giám sát nữa? Sau nhiều lần đóng góp mà chưa được tiếp thu, đến Kỳ họp thứ Sáu, một số ĐBQH bắt đầu phản biện, trong đó có những ý kiến phản biện rất sâu sắc về việc có nên trao thẩm quyền lãnh đạo hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cho UBTVQH hay không? Phải có sự nghiên cứu rất kỹ, kể cả về lý luận và thực tiễn, cùng thái độ cầu thị và nỗ lực tiếp thu tối đa thì cuối cùng quy định về vấn đề này trong Hiến pháp mới quay trở về xác định đúng vai trò của UBTVQH là: chỉ đạo, điều hòa và phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH.

Tôi cho rằng, đây cũng có thể được xem là một thành công lớn trong việc sửa đổi Hiến pháp vừa qua.

Thái độ cầu thị và cởi mở trong quá trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH đã tạo nên phong cách mới trong việc thảo luận của QH

- Hiến pháp lần này sửa đổi khá toàn diện các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ phụ trách. Chủ nhiệm có thể cho biết rõ hơn về những sửa đổi, bổ sung này?

- Đây là những nội dung chúng tôi quan tâm và trực tiếp theo dõi quá trình tiến triển từ khi khởi thảo đến khi có kết quả cuối cùng. Trong quá trình đó, có rất nhiều nội dung gần như đến phút cuối cùng mới được đưa vào Hiến pháp.

Về trẻ em, trong Hiến pháp năm 1992, chúng ta ghi nhận trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội là chăm sóc và bảo vệ trẻ em mà chưa đề cập đến quyền tham gia của trẻ em. Trong khi đó, quyền tham gia của trẻ em là một nội dung cốt lõi trong Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và thứ nhất ở châu Á về ký Công ước này. Nhưng gần như chúng ta chưa đề cập thật đầy đủ đến quyền của trẻ em, trong đó có quyền tham gia của trẻ em. Trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định 3 quyền cơ bản của trẻ em. Đây là những quyền Nhà nước, gia đình và xã hội chủ động dành cho trẻ em. Còn quyền của trẻ em với tư cách một công dân đặc biệt thì Hiến pháp cũng như Luật chưa quy định.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi đề nghị ngoài 3 quyền cơ bản của trẻ em thì cần quy định về quyền được tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Lúc đầu, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có tiếp thu nhưng không đầy đủ nội dung này, theo đó: trẻ em được tham gia những vấn đề về quyền trẻ em. Thực tế những vấn đề về quyền trẻ em khác với những vấn đề về trẻ em. Phạm vi của những vấn đề về trẻ em rộng hơn hẳn và thực tế có rất nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em mà không phải liên quan đến quyền trẻ em.

- Và cuối cùng, cũng là đến phút 89..., thưa Chủ nhiệm?

- Không, phải đến phút 89,5 thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới tiếp thu và chỉnh lý theo đề nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ. Như vậy để thấy rằng, chỉ gạch đi có một chữ quyền thôi mà đã là cả một quá trình đấu tranh kiên trì. Cái được ở đây là chúng ta đã đưa một quyền rất quan trọng của trẻ em trong Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vào văn kiện chính trị – pháp lý quan trọng nhất của quốc gia là Hiến pháp.

Về giáo dục cũng vậy, Hiến pháp lần này sửa khá nhiều, nhưng có nội dung quan trọng là chính sách ưu tiên phát triển nhân tài thì trong Dự thảo ban đầu trình QH chưa đề cập. Trong khi đó Việt Nam là quốc gia vốn có truyền thống trọng dụng nhân tài, luôn khẳng định, hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nhưng đến nay vẫn chưa có một chiến lược về nhân tài, nói cách khác là chưa bao giờ nhắc đến chính sách nhân tài một cách nghiêm túc, hệ thống. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này cũng vậy, Ủy ban chúng tôi đề nghị đưa nội dung ưu tiên phát triển nhân tài vào Dự thảo nhưng mấy lần đều bị bỏ ra. Chúng tôi kiên quyết đấu tranh và theo dõi giám sát về nội dung này đến bản thảo cuối cùng trình QH. Và cũng phải đến phút chót, nội dung ưu tiên phát triển nhân tài mới được ghi trong mục các chính sách ưu tiên về giáo dục của Nhà nước trong Dự thảo trình QH thông qua. Và cuối cùng, như bạn biết, nội dung này đã trở thành quy định trong Hiến pháp (sửa đổi) và đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2014.

- Tất cả những kết quả nêu trên, trong đó như Chủ nhiệm đã nói là gần như đến phút cuối cùng mới ngã ngũ và được tiếp thu, chỉnh lý đã góp phần làm nên một bản Hiến pháp có chất lượng, phản ánh ý nguyện của nhân dân, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và được QH thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, gần như tuyệt đối, thưa Chủ nhiệm?

- Cách thức làm việc như vậy thể hiện hai điều. Một là, chất lượng thảo luận của QH, các ĐBQH tại Kỳ họp QH, cụ thể là tại Kỳ họp cuối năm 2013, ngày càng được nâng cao. Hai là, thái độ cầu thị và cởi mở trong quá trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH đã tạo nên phong cách mới trong việc thảo luận của QH. Mặc dù Dự thảo ban đầu đưa ra đã được chuẩn bị công phu và được các cơ quan hữu quan kiên trì bảo vệ nhưng trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến, khi ĐBQH lập luận một cách sắc sảo, hợp lý, thuyết phục thì đều được tiếp thu. Thậm chí, như đã nói ở trên là chấp nhận ở những phút chót.

Theo tôi, đây là những kết quả cụ thể, tương đối ấn tượng và đáng ghi nhớ liên quan đến những quyết sách lớn, trong đó có việc thông qua Hiến pháp (sửa đổi) của QH trong năm qua.

- Xin cám ơn Chủ nhiệm!

 

 

Cổng thông tin

(báo Đại biểu nhân dân)