Tại phiên họp, nhiều ý kiến của các đại biểu nhất trí với tinh thần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Thực tiễn thi hành Luật cho thấy, một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tế; một số cải tiến mới trong hoạt động của QH, các cơ quan của QH cần được điều chỉnh nhằm phục vụ việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của QH trong những năm tới. Việc sửa đổi Luật Tổ chức QH lần này nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng; đặc biệt, để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII.
Theo báo cáo của Ban soạn thảo, đây là dự án sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức QH hiện hành. Ban soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi), gồm sáu chương với 140 điều. Bên cạnh đó, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến cụ thể nhiều nội dung trong dự thảo Luật về các nội dung: QH, Ủy ban TVQH; Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH; đại biểu QH, Đoàn đại biểu QH, các cơ quan thuộc QH.Nhiều đại biểu đề nghị cần xác định và nêu rõ trong quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi Luật Tổ chức QH là sửa đổi cơ bản, toàn diện hay chỉ sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp. Việc sửa đổi dự án Luật lần này cần tạo sự hài hòa thống nhất với việc sửa đổi các luật khác có liên quan.
Một số đại biểu đề nghị điều chỉnh về kết cấu của dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi), trong đó cần đề cao vai trò trọng tâm của đại biểu QH và sắp xếp lại một số chương trong dự án Luật cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị trong lần sửa đổi này nên tập trung nghiên cứu, điều chỉnh về cơ cấu, bố cục, phạm vi điều chỉnh của Luật; pháp điển hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của QH để thuận tiện cho đại biểu QH, các cơ quan của QH trong việc thực hiện các quy định cụ thể. Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị xem xét tiếp tục giữ bố cục và cơ cấu của Luật Tổ chức QH như hiện nay. Nếu có, có thể sửa đổi, bổ sung những nội dung thật cần thiết để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp mới và yêu cầu thực tiễn. Nhiều ý kiến tán thành với quy định chức danh Tổng Thư ký QH, và chức danh này không nhất thiết do đại biểu QH đảm nhiệm, là một công chức đứng đầu bộ máy giúp việc của QH.Một số ý kiến khác đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm cũng như hiệu quả hoạt động của đại biểu QH.
Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH đã thảo luận cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Về dự án Luật này, cơ bản, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành, đồng thời đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể chung quanh các vấn đề, gồm: áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế; hoạt động quốc tế về hải quan; địa bàn hoạt động hải quan; hệ thống tổ chức hải quan; quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan; thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...
Cũng trong chiều qua, Ủy ban TVQH đã thảo luận thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của QH.