Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đã trình bày nội dung Kế hoạch, nêu rõ: Tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp ngoài yêu cầu về mặt tuyên truyền còn nhằm xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của Ủy ban TVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án NDTC, Viện KSND tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Kế hoạch này nhằm rà soát, kịp thời điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cho phù hợp quy định mới của Hiến pháp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp Hiến pháp.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên của Ủy ban TVQH cho rằng, việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp có ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa các quy định của Hiến pháp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, việc xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp cần bám sát Nghị quyết số 64/2013/QH13 của QH quy định một số điểm thi hành Hiến pháp để bảo đảm việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Ða số các ý kiến tán thành việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban TVQH hướng dẫn thi hành Hiến pháp.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên họp này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần tổ chức cơ quan đầu mối là Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, phối hợp đôn đốc việc triển khai Kế hoạch thi hành Hiến pháp. Thành phần của Ban Chỉ đạo cần có các thành viên của các cơ quan: Ủy ban TVQH, Chính phủ, TAND, Viện KSND, MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước... do một đồng chí Phó Chủ tịch QH làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Việc thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thi hành Hiến pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Ủy ban TVQH theo dõi, thi hành Hiến pháp.
Các thành viên của Ủy ban TVQH cũng tán thành đề xuất tổ chức Hội nghị trực tuyến do Ủy ban TVQH triệu tập về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Việc triển khai thi hành Hiến pháp mới phải bảo đảm ổn định trong quản lý, điều hành các lĩnh vực của đất nước. Cần ưu tiêu rà soát các văn bản, pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, nhất là việc điều chuyển chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan...
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục biên soạn tài liệu, bài viết phân tích điểm mới, ý nghĩa của Hiến pháp phục vụ Hội nghị trực tuyến về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp - dự kiến tổ chức vào đầu tháng 1-2014. Ðồng thời đề nghị các thành viên Ủy ban TVQH tăng cường viết bài, tuyên truyền định hướng trên các phương tiện thông tin đại chúng về các lĩnh vực quan trọng, như: kinh tế, pháp luật, môi trường, giáo dục, y tế, công tác dân tộc... được đề cập trong Hiến pháp (sửa đổi). Qua đó, giúp làm rõ những nội dung mới của Hiến pháp, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của nội dung các quy định trong Hiến pháp. Thời gian tới, các Ủy ban, cơ quan của QH cần sớm rà soát, hoàn thiện các văn bản kế hoạch về chương trình công tác của Ủy ban TVQH năm 2014; kế hoạch chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII và kế hoạch thi hành Hiến pháp. Ủy ban Pháp luật của QH sẽ sớm hoàn tất dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hiệu lực thi hành Hiến pháp để Ủy ban TVQH cho ý kiến, thông qua.
Trước khi bế mạc phiên họp thứ 23, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức QH năm 2001. Theo báo cáo, sau gần 12 năm thi hành, Luật Tổ chức QH đã phát huy hiệu quả và có đóng góp quan trọng đối với tổ chức, hoạt động của QH. Thực tiễn thi hành Luật cũng cho thấy còn có những hạn chế, bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam vừa được QH thông qua tại kỳ họp thứ sáu và thực tiễn đổi mới tổ chức, hoạt động của QH.