Quốc hội thảo luận về đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh

17/11/2013

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 15/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về hai dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Thảo luận về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật với những quan điểm nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Các đại biểu cho rằng vấn đề này không chỉ có ý nghĩa về chính trị - pháp lý, mà còn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, việc xây dựng dự án Luật cần phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế; kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành.

Liên quan đến ký hiệu thị thực, đại biểu Phạm Bình Minh, Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng, không nên quy định quá nhiều những loại ký hiệu thị thực như trong dự thảo Luật, mà chỉ cần quy định một số loại chính như: thị thực ngoại giao, thị thực lao động và các loại thị thực khác giống như quy định trong Luật xuất nhập cảnh của các nước trên thế giới hiện nay.

Đối với thời hạn thị thực, đại biểu Phạm Bình Minh (Quảng Ninh) và một số đại biểu khác đề nghị, Ban soạn thảo nên tách và quy định riêng về thời hạn cấp thị thực và thời hạn tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời, cần quy định thời hạn thị thực dài hơn 12 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.

Xung quanh vấn đề quá cảnh, đại biểu Phạm Bình Minh (Quảng Ninh), Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) và một số đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, người nước ngoài vào Việt Nam không chỉ thông qua đường hàng không, mà còn bằng cả đường bộ, đường biển. Vì vậy, đề nghị không nên chỉ quy định miễn thị thực trong trường hợp quá cảnh bằng đường hàng không quốc tế.

Góp ý về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo lãnh nhập cảnh vào Việt Nam, các đại biểu Phạm Bình Minh (Quảng Ninh), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị cần quy định rõ người, hoặc cơ quan, tổ chức mời phải chịu trách nhiệm liên đới nếu như người nước ngoài tại Việt Nam vi phạm pháp luật.

Cũng thảo luận dự án Luật trên, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một điều quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý hoạt động xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài sử dụng chung cho các cơ quan chuyên trách; đồng thời cần có quy định mở và trao thẩm quyền cho các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài xem xét, cấp thị thực, nhất là các doanh nhân, nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam để tìm kiếm thị trường đầu tư. Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề: khai báo tạm trú; quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài; việc xét cấp thị thực, thẻ tạm trú và gia hạn tạm trú...

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển giao thông đường thủy

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với những căn cứ về sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, các đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Bùi Văn Xuyên (Thái Bình), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng dự án luật còn nhiều điều khoản giao cho Chính phủ và các bộ quy định.

Đại biểu Trần Văn Minh dẫn chứng Dự án Luật sửa đổi 36 điều nhưng có đến 16 điều giao cho Chính phủ và các bộ quy định là quá nhiều. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần xem xét, điều chỉnh lại việc này để bảo đảm rõ ràng, thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Liên quan đến vấn đề cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất, nhưng sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan cứu nạn còn hạn chế. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền; tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông đường thủy.

Đại biểu Thăng đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chi tiết hơn sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng như của các cơ quan tìm kiếm, cứu nạn... trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, cần nhấn mạnh quy định của các cơ quan quản lý đường thủy nội địa trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, nội dung tìm kiếm, khắc phục hậu quả sau khi vụ việc xảy ra.

Cũng thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm và thẩm quyền công bố tuyến đường thủy nội địa quốc gia; trách nhiệm của thuyền trưởng khi điều khiển phương tiện trên đường thủy nội địa; điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, vận tải trên đường thủy nội địa; quy hoạch và quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa.../.

Nguyễn Cường (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)