Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các quy định hiện hành về thị thực; thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong việc xác định và cấp thị thực của các cơ quan có thẩm quyền; việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và quá cảnh vào nước ta qua hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy; điều kiện, yêu cầu, nguyên tắc và những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn thực hiện miễn thị thực đơn phương, song phương, đa phương; vấn đề thị thực và cư trú đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong các dự án đầu tư hoặc hợp đồng lao động tại khu vực biên giới trên đất liền, khu vực biên giới trên biển...
Các đại biểu tán thành với việc xây dựng, ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam để hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này, đáp ứng những đòi hỏi mới trong quản lý về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài ở nước ta. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, các bộ, ngành cần thực hiện tổng kết việc thu phí, lệ phí xuất nhập cảnh và sử dụng nguồn ngân sách được cấp lại cho các địa phương; việc cấp, bổ sung, sửa đổi các loại giấy tờ cho người nước ngoài đang tạm trú tại nước ta; việc phối hợp quản lý cư trú của người nước ngoài giữa các bộ, ngành có liên quan... để tạo cơ sở xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Ngoài ra, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã, phường để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp trong quản lý người nước ngoài cư trú ở nước ta. Và bổ sung cơ chế để hướng tới cấp thị thực tại cửa khẩu – là phương thức được nhiều quốc gia áp dụng để đơn giản hóa hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người nước ngoài nhập cảnh; bổ sung quy định về hình thức và điều kiện cấp visa điện tử; về quy trình nhập cảnh, xuất cảnh tại cửa khẩu đường biển... Một số ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần xây dựng lộ trình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật cụ thể, hợp lý để tránh trường hợp nghị định, thông tư có hiệu lực trước khi luật có hiệu lực thi hành, gây lúng túng cho các địa phương khi triển khai.