Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chính sách phát triển dân tộc, miền núi là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước với quan điểm luôn nhất quán theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Hiện nay, cả nước có hơn 40 chương trình, mục tiêu, dự án được triển khai thực hiện ở vùng dân tộc, miền núi với mục tiêu tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông, thủy lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về 3 chuyền đề: tổng quan về một số vấn đề vùng dân tộc, miền núi; vai trò của đại biểu dân cử; đại biểu dân cử với xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc, miền núi; vai trò của đại biểu dân cử trong việc phát triển nông, lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc miền núi.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc triển khai các chính sách phát triển vùng dân tộc, miền núi trong thời gian qua đã góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Sản xuất ở nhiều vùng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao. Tuy vậy, những chính sách này còn bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế. Một số chính sách có thời gian thực hiện ngắn, thiếu tính chiến lược lâu dài. Nhiều chính sách còn chồng chéo về đối tượng, địa bàn.
Về vai trò của đại biểu dân cử với chính sách phát triển vùng dân tộc, miền núi, các đại biểu khẳng định, đại biểu dân cử, đặc biệt những đại biểu là người dân tộc và ở vùng dân tộc, miền núi có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách về phát triển vùng dân tộc, miền núi, tạo cơ sở pháp lý cho vùng dân tộc, miền núi phát triển cùng với cả nước. Một số ý kiến đề nghị, ĐBQH, đại biểu HĐND vùng dân tộc, miền núi cần phát huy tốt vai trò cá nhân; tích cực học tập, bồi dưỡng kiến thức để hiểu sâu hơn các vấn đề khi tham gia vào hoạt động của QH, HDND...