Hội thảo Một số nội dung cơ bản của Luật Tổ chức Viện kiểm sát ND (sửa đổi)

19/12/2013

Ngày 16 - 17.12, tại Cần Thơ, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức hội thảo Một số nội dung cơ bản của dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chủ trì Hội thảo.

Dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) gồm 7 chương, 112 điều, so với Luật hiện hành giảm 4 chương nhưng tăng thêm 62 điều, sửa đổi 78 điều. Dự thảo có những sửa đổi, bổ sung cơ bản như: bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; làm rõ vị trí của Viện Kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước, sửa đổi quy định về phạm vi thực hiện chức năng của từng cấp kiểm sát, quy định rõ phạm vi, nội dung của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; xác định rõ các nhiệm vụ cơ bản của Viện Kiểm sát nhân dân trên cơ sở Hiến pháp mới ban hành; quy định rõ chủ thể có quyền giám sát hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân và trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân đối với hoạt động giám sát; tổ chức lại hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân 4 cấp theo chủ trương cải cách tư pháp; bổ sung các quy định về cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao...

Các ý kiến tại Hội thảo xoay quanh các vấn đề như: đối tượng, nội dung, phạm vi, chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân; địa vị pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn của 4 cấp Viện Kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp... Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là nội hàm của khái niệm hoạt động tư pháp. Theo quy định tại Điều 107 Hiến pháp (sửa đổi) vừa được QH thông qua thì Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Như vậy, phải làm rõ nội hàm của hoạt động tư pháp là gì mới xác định được đầy đủ phạm vi kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân. Có ý kiến cho rằng, tư pháp chỉ được dùng để chỉ các hoạt động xét xử của Tòa án nên Viện Kiểm sát nhân dân chỉ kiểm sát các hoạt động xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cách hiểu này chưa bao quát được hết các hoạt động kiểm sát mà Viện Kiểm sát hiện đang thực hiện. Các ý kiến này đề nghị, cần hiểu khái niệm hoạt động tư pháp theo nghĩa rộng, bao gồm hoạt động xét xử của Tòa án và toàn bộ các hoạt động bổ trợ của các cơ quan khác như Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra và Cơ quan thi hành án. Như vậy, kiểm sát hoạt động tư pháp được hiểu là hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, thi hành án, giải quyết khiếu nại tố cáo về các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.   

Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) dự kiến được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII.

Ngọc Điệp

(http://daibieunhandan.vn/)