Ngày làm việc thứ 27, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII: Xây dựng luật cần xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, coi trọng chất lượng

26/11/2013

* Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy *Tiếp tục thảo luận Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngày 22-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) Khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 27. Hai nội dung quan trọng trong ngày được các đại biểu thảo luận tại hội trường liên quan tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được QH khóa XIII thông qua; thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi).

Bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh Buổi sáng, các đại biểu QH tập trung thảo luận về tình hình triển khai, thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được QH khóa XIII thông qua. Nhiều đại biểu đồng tình với đánh giá của Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nhiều hạn chế. Một trong những hạn chế là còn nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Chất lượng một số văn bản chưa cao, vẫn còn những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa quy định của văn bản pháp luật vào cuộc sống, làm giảm ý nghĩa thực tiễn của các văn bản do QH, Ủy ban TVQH ban hành.

Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng luật cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống, không chạy theo số lượng, coi trọng chất lượng. Cơ quan thẩm tra của QH có trách nhiệm phối hợp với cơ quan soạn thảo ngay từ giai đoạn đầu để cùng đề xuất các chính sách, tham mưu cho Ủy ban TVQH quyết định các chính sách mới phù hợp thực tiễn, thậm chí kiến nghị hoặc dừng các văn bản trái pháp luật... Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH, theo các đại biểu, trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ, các bộ, ngành. Tuy vậy QH, các cơ quan của QH cũng phải nghiêm túc nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trong giai đoạn chỉnh lý và xem xét, thông qua, cũng như trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTV QH.

Phản ánh của các đại biểu: Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Chu Sơn Hà (Hà Nội), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) và một số đại biểu, đề cập việc chậm trễ văn bản hướng dẫn cho thấy vẫn còn tình trạng lợi ích ngành, có biểu hiện lách luật, lạm quyền. Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát thi hành văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH còn hạn chế, chưa thật sự sâu sát đối với lĩnh vực cụ thể.

Thẳng thắn đề đạt vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm, bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh; sớm khắc phục tình trạng trình một số dự án luật không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên lượng trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực...

Về giải pháp khắc phục những hạn chế, theo đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng), QH cần có chiến lược lập pháp toàn diện và kịp thời ban hành bằng nghị quyết hàng năm. Cần quan tâm đổi mới quy trình lập pháp, chú ý chuẩn bị đội ngũ cán bộ trong thành phần Ban soạn thảo. Bên cạnh đó, cần tăng cường và củng cố bộ máy giúp việc, trước hết là Văn phòng QH, Viện Nghiên cứu lập pháp và các vụ giúp việc cho các cơ quan của QH...

Sáng qua, với đa số phiếu tán thành, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Chung quanh việc quy hoạch sử dụng đất, thời hạn giao đất, thu hồi đất Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo luật rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu QH và cử tri cả nước. Dự thảo luật trình QH lần này gồm 212 điều, sau khi đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của nhân dân và của các đại biểu QH tại kỳ họp trước.

Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự án luật này. Tuy nhiên, đi vào từng vấn đề cụ thể, các ý kiến phát biểu vẫn còn khác nhau, nổi lên là các quy định về quy hoạch sử dụng đất, thời hạn giao đất, và thu hồi đất.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do đó người dân phải được tham gia việc quản lý đất đai. Đại biểu này đề nghị bổ sung khoản 1, Điều 24 (Cơ quan quản lý đất đai) quy định về vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý đất đai. Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo có liên quan vấn đề quy hoạch để bảo đảm tính phù hợp thống nhất của quy hoạch sử dụng đất. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, thời gian qua quy hoạch treo khá phổ biến gây bức xúc cho cử tri, do vậy đề nghị cần xem xét kỹ vấn đề quy hoạch.

Đối với vấn đề thu hồi đất, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, cần xác định rõ trường hợp nào vì mục đích công cộng, trường hợp nào vì mục đích kinh doanh, từ đó quy định thu hồi vì mục đích công cộng, không vì mục đích kinh doanh. Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Trương Văn Vở lại quan tâm đến thủ tục, trình tự thu hồi đất và đề nghị quy định rõ hơn ở khoản 1, Điều 62 và bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý, sử dụng đất đã thu hồi (Điều 68).

Thời hạn giao đất là một trong những vấn đề thu hút nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận. Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) nhất trí với quy định tại khoản 3, Điều 126. Theo đó, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư... không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời gian dài hơn... là không quá 70 năm. Ngược lại với ý kiến trên, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) và một số đại biểu khác đề nghị thời hạn giao đất nông nghiệp giữ như quy định của luật hiện hành là 20 năm.

Về thu hồi đất, ở Điều 64 quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) đề nghị bổ sung quy định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất nông nghiệp nhưng không sản xuất, để hoang hóa, để điều tiết cho người sinh sau năm 1993 (Luật Đất đai có hiệu lực thi hành) có đất sản xuất.

Các ý kiến thảo luận cũng đã đề cập nhiều vấn đề khác như giá đất, việc trưng dụng đất, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai...

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu QH tại phiên họp này, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trình QH xem xét.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)