Ngày làm việc thứ 23, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII: Góp ý trực tiếp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và thảo luận về hai dự án luật

20/11/2013

Ngày 18-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 23.

 Buổi sáng, QH làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH (ÐBQH) thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSÐHP) năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); góp ý trực tiếp vào DTSÐHP năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau. Buổi chiều, các ÐBQH thảo luận ở tổ về dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Luật Ðầu tư công.

Tiếp thu các ý kiến về DTSÐHP

Mở đầu phiên họp, QH nghe Ủy ban DTSÐHP năm 1992 của QH Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ÐBQH thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý DTSÐHP năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Báo cáo cho biết: Ngày 5-11-2013, QH đã thảo luận tại Hội trường về DTSÐHP năm 1992. Các vị ÐBQH đều cơ bản tán thành với Dự thảo và cho rằng, Ủy ban DTSÐHP đã kịp thời nghiên cứu, giải trình, tiếp thu một cách nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vị ÐBQH, ý kiến của nhân dân. Các vị ÐBQH cũng đã góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện một số nội dung cụ thể của Dự thảo.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, thay mặt Ủy ban DTSÐHP năm 1992 của QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Hiến pháp là đạo luật cơ bản, thể hiện ý chí chính trị của Ðảng, Nhà nước, nhân dân ta, nên có ý nghĩa kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., bảo đảm sự phát triển của đất nước. DTSÐHP năm 1992 được chuẩn bị công phu, triển khai lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân trong hai năm qua. Ngay tại kỳ họp này, QH cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Một vấn đề trong Dự thảo lần này còn nhiều ý kiến khác nhau và được góp ý nhiều nhất, đó là: Về chính quyền địa phương (chương IX), xoay quanh bốn nội dung chính được quy định từ Ðiều 110 đến Ðiều 114: về nguyên tắc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, chính quyền địa phương là vấn đề rất hệ trọng, ở nước ta đã có chính quyền nhà nước được xác định trong Hiến pháp từ năm 1946. Từ đó đến nay, vấn đề này đã thay đổi nhiều lần, song Hiến pháp lần này cần phải có sự đổi mới, thay đổi phải mang tính nguyên tắc, bảo đảm mang tính kế thừa.

 Về điều kiện thành lập mới và điều chỉnh địa giới hành chính (Ðiều 110), Chủ tịch QH cho rằng, mỗi đơn vị hành chính thể hiện truyền thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các đơn vị hành chính từ phường, xã, thôn, bản, quận, huyện, thành phố... đang vận hành và cơ bản ổn định. 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã phân chia đến quận, huyện, phường, xã, thôn, bản... Lần này quy định thêm, nếu muốn lập mới, giải thể, nhập, chia địa giới hành chính thì phải lấy ý kiến của nhân dân trước khi QH quyết định.

 Tổ chức chính quyền địa phương các cấp phải phù hợp đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính đặc biệt theo luật định. Ở đâu có đơn vị hành chính, ở đó có chính quyền; mỗi cấp chính quyền đều phải có HÐND, UBND. Ðổi mới quy định, chức năng, nhiệm vụ của HÐND và UBND bảo đảm có sự phân cấp, song phải có tính thống nhất.

Chủ tịch QH cho biết, sau phiên họp này, các ÐBQH tiếp tục chỉnh sửa, góp ý trực tiếp vào bản DTSÐHP. Trên cơ sở đó, Ủy ban DTSÐHP tiếp thu với mục đích có bản Dự thảo tốt nhất, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Theo Chương trình kỳ họp, ngày 28-11 tới, QH sẽ thông qua Hiến pháp.

Cũng trong buổi sáng, các ÐBQH góp ý trực tiếp vào DTSÐHP năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.

Cần xây dựng Luật Phá sản phù hợp tình hình thực tế

Thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), có ý kiến đề nghị xem xét cần mở rộng đối tượng áp dụng cho cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình, các trường đại học và các trường ở các cấp học khác có đăng ký kinh doanh và theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Phá sản thì nhóm đối tượng này cũng có phạm vi, quy mô kinh doanh không kém các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhất trí quy định đối tượng áp dụng là DN, HTX như dự thảo Luật, bởi phù hợp với pháp luật doanh nghiệp và hợp tác xã. Về doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản (Ðiều 3), một số ý kiến nhất trí với quy định của dự án Luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại điều này chưa rõ ràng, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung cụ thể tiêu chí, căn cứ xác định DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản như báo cáo tài chính, bảng cân đối tài sản và công nợ trên vốn chủ sở hữu của DN, HTX để làm căn cứ xác định khi lâm vào tình trạng phá sản.

Nhiều đại biểu QH quan tâm về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Ðiều 4) và nhất trí với việc bổ sung quy định này; theo đó, đồng ý với phương án 1 tại Khoản 1 "Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu"; đồng thời nhất trí không quy định cụ thể số tiền nợ tối thiểu, việc quy định số tiền sẽ hạn chế quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ, chủ doanh nghiệp. Về thẩm quyền của tòa án (Ðiều 10),  một số ý kiến nhất trí với quy định giao cho Tòa án Nhân dân cấp tỉnh giải quyết thủ tục phá sản đối với DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản, một mặt phù hợp với phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án. Mặt khác, việc giải quyết phá sản một DN, HTX là việc khó, đòi hỏi thẩm phán phải có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn về thủ tục tố tụng, hiểu biết về quản trị doanh nghiệp, điều này sẽ rất khó đối với tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ giao cho tòa án cấp tỉnh giải quyết thủ tục phá sản thì sẽ dẫn đến quá tải, thời gian giải quyết kéo dài, nhất là ở những địa phương có nhiều doanh nghiệp.

Bảo đảm đầu tư công không dàn trải

Thảo luận về dự án Luật Ðầu tư công, đối với chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, một số đại biểu cơ bản nhất trí việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư như quy định tại dự thảo, với mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư công, đồng thời xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư. Ðồng thời  đề nghị rà soát các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn về hồ sơ, tiêu chí, cách thức quyết định chủ trương đầu tư được quy định trong Nghị quyết số 49/2010/QH12 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư quy định vào dự án luật này.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ quy định về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư (phê duyệt báo cáo dự án tiền khả thi) đối với các dự án, chương trình quan trọng quốc gia và nhóm A. Việc quy định thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B và cả nhóm C do thủ tục sẽ ảnh hưởng đến quá trình đầu tư.

Có đại biểu nêu ý kiến, cần rà soát lại tất cả các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư từ trước khi Luật có hiệu lực, phân loại những dự án đã thực hiện và dự án chưa thực hiện. Ðồng thời, xem xét tác động của việc xử lý đối với các dự án đầu tư dở dang, nếu không tiếp tục đầu tư sẽ gây hậu quả như thế nào đối với các bên tham gia dự án cũng như đối với nền kinh tế.

(http://www.nhandan.com.vn/)