Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng chưa thực sự bị ngăn chặn và đẩy lùi. Trước đây chúng ta cho rằng hệ thống pháp luật bất cập, bộ máy chưa hoàn thiện nhưng nay Luật phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung, cơ quan chuyên trách được tổ chức đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Nói một cách hình ảnh là chúng ta đã bài binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu, song giặc nội xâm tham nhũng chưa bị sát thương là bao nhiêu. Điều đó cho thấy rằng quyết tâm chính trị đã có nhưng hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Việc nợ xấu về tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng.
Đại biểu Tiến đề nghị các cơ quan phòng, chống tham nhũng nên tập trung vào “chiến dịch bắt hổ” với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt “mèo nhỏ chuột con”. Có như thế mới nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong dân.
Hiện nay việc xử lý tham nhũng dường như mới dừng lại ở những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty. Trong khi tập đoàn, tổng công ty không thể tự mình gây thất thoát tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, nhiều triệu đô la, nếu không có sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu, đồng hành, đồng lõa, đồng phạm của một số cán bộ công chức các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Lợi ích nhóm được hình thành từ liên minh ma quỷ đó và hệ lụy là tiền thuế của nhân dân, ngân khố quốc gia ngày ngày bị bòn rút, đục khoét, nhưng những người trong cuộc lại vô can.
Đại biểu Tiến cho rằng, phần lớn các vụ án tham nhũng lại do người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện. Nhưng gần đây có một hiện tượng đáng buồn là người dân đã thờ ơ không mấy mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt trong phòng, chống tham nhũng.
Đại biểu Tiến kiến nghị bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có cần thành lập Cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với cơ chế đặc biệt được trao "thượng phương bảo kiếm" có quyền điều tra độc lập để câu hỏi lớn có tham nhũng tiêu cực, bao che trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật và trong chính các lực lượng phòng, chống tham nhũng không?
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho biết năm 2013 ngành kiểm sát đã thực hiện quyền công tố và kiểm sát, điều tra 566 vụ với 1.471 bị can thuộc nhóm tội tham nhũng, trong đó khởi tố mới 661 bị can, tăng 6,4%. Tuy nhiên, một số vụ án đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu chưa đúng pháp luật, án treo, cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ 31,2%, những hiện tượng này là không bình thường.
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, hiện nay bộ máy chống tham nhũng khá đồ sộ, gồm kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban nội chính Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước, các cơ quan này đang mới hoạt động nhưng cũng có tác dụng thúc đẩy tiến độ các vụ án tham nhũng lớn. Mặc dù các cơ quan này có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chưa đáp ứng lòng mong đợi của cử tri, liệu trong lực lượng chống tham nhũng có tiêu cực, bao che cho tham nhũng không. Đây là câu hỏi rất lớn mà cử tri đề nghị sớm được trả lời để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, trách nhiệm phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội hoặc Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Lực lượng này phải được tinh nhuệ, đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, như vậy mới đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để kéo dài như hiện nay, không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án, tránh gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị, cùng với việc phát hiện, tập trung xử lý các vụ tham nhũng lớn thì cần có thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức. Phòng chống tham nhũng không nên chỉ quan tâm đến những vấn đề xử lý những vụ việc xảy mà phải tăng cường nâng cao kỷ luật công tác của cán bộ, công chức, xử lý tốt hơn hành vi sách nhiễu cửa quyền, lợi dụng vị trí công tác để vụ lợi. Những vụ việc "tham nhũng" nhỏ rất dễ xảy ra, tuy giá trị không lớn, nhưng nó đã làm giảm lòng tin của người dân đối với chính quyền, đặc biệt là niềm tin từ người dân, nhất là đối với những cán bộ, công chức thường xuyên trực tiếp giải quyết công việc của nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhận định, tình hình tham nhũng trong các cơ quan tư pháp đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp. Hơn hai năm qua, bị can phạm tội về tham nhũng trong hoạt động tư pháp chiếm khoảng 10% trên tổng số các vụ tham nhũng trên toàn quốc. Như vậy, có phải do chúng ta không đủ điều kiện, nhân lực để phát hiện tham nhũng hay đã tìm thấy căn bệnh rồi mà không điều trị nguyên nhân, chỉ điều trị triệu chứng nhằm kéo dài thời gian để vòi vĩnh, làm cho bệnh ngày càng nặng thêm, dẫn đến tham nhũng chồng lên tham nhũng, tội phạm chồng lên tội phạm.
Hiện nay nhiều vụ việc xảy ra tham nhũng với tài sản lớn thuộc các ngành tài chính, tiền tệ, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các ngành về quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, hay các vụ việc tham nhũng xảy ra ở các cơ quan thuộc ngành tư pháp, ngành thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật. Nếu trong các trường hợp nêu trên không được làm rõ thì rất khó xử lý, đồng nghĩa với pháp luật chưa đi vào cuộc sống.
Về cơ chế khen thưởng đối với người tố giác, tin báo tội phạm tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị các cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, nhằm tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn tố giác tội phạm, đồng thời có cơ chế khen thưởng đặc thù đối với lĩnh vực nhạy cảm này.