Chiều 6/11, báo cáo thẩm tra về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Dự thảo Luật gồm 135 điều, được bố cục thành 9 Chương. So sánh với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, dự thảo Luật đã sửa đổi 62 điều, bổ sung mới 54 điều, bãi bỏ chương Giám hộ giữa các thành viên trong gia đình và chương Xử lý vi phạm; bãi bỏ Lời nói đầu và 9 điều.
Không thừa nhận hôn nhân đồng giới
Dự thảo Luật bãi bỏ quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính và sửa đổi thành “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống giữa họ.
Bà Trương Thị Mai cho biết, vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Mặc dù pháp luật hiện hành đã cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người này vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng tính đã tổ chức công khai lễ cưới và các cơ quan nhà nước cũng đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này.
Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và kinh nghiệm quốc tế hiện nay thì việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề này.
Trong hoàn cảnh ở nước ta hiện nay, xét dưới góc độ văn hóa, quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình, Chính phủ cho rằng, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục của họ; đồng thời, cần tôn trọng việc sống chung giữa họ cũng như thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung.
Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của xã hội;
Trên thế giới, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính được giải quyết theo nhiều cách thức và mức độ khác nhau. Tính đến tháng 8 năm 2013, đa số các quốc gia không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân giữa họ (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc…); 16 quốc gia công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; 17 quốc gia mặc dù không thừa nhận hôn nhân nhưng đã thừa nhận việc chung sống có đăng ký giữa những người cùng giới tính.
Đối với những nước thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính thì kinh nghiệm của một số nước cho thấy, việc giải quyết vấn đề này thường được thực hiện theo một lộ trình, tức là trước hết, Nhà nước thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính sau đó mới thừa nhận hôn nhân giữa những người này.
Nam, nữ đủ 18 tuổi được kết hôn
Dự thảo Luật quy định điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải “đủ mười tám tuổi trở lên”. Về vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, đây là tuổi đã trưởng thành, đảm bảo về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Quy định này cũng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật hôn nhân và gia đình trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền công dân không phân biệt nam, nữ, đủ 18 tuổi là tuổi đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nên giữ nguyên độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành và bổ sung cụm từ “từ đủ” (“nam từ đủ hai mươi tuổi và nữ từ đủ mười tám tuổi”) vì quy định này đã được áp dụng ổn định hơn 50 năm (từ khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 1959) và phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam. Việc bổ sung “từ đủ” để nhằm đảm bảo tính thống nhất với pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và các ngành luật khác. Theo bà Mai, Ủy ban thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.
Cần quy định chặt chẽ về mang thai hộ
Ủy ban thấy rằng, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng.
Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như các vấn đề về hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này. Nếu không, sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em./.