Tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng nay, tại Hội trường, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Qui định cụ thể để hạn chế ban hành văn bản hướng dẫn
Về phạm vi điều chỉnh, theo báo cáo, đa số ý kiến tán thành quy định trong Luật hạn mức vốn nhà nước cụ thể. Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở tỷ lệ là 30% vốn nhà nước và quy định về quy mô vốn nhà nước cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền là 500 tỷ đồng; đề nghị hạ mức tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư, quy định mức vốn nhà nước xuống thấp hơn vì mức 500 tỷ đồng là rất lớn. Ý kiến khác đề nghị quy định mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định về mức giá trị tuyệt đối theo từng thời kỳ, bảo đảm tính ổn định của Luật.
Về nội dung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc quy định mức vốn nhà nước cụ thể ngay trong Luật là cần thiết để bảo đảm việc áp dụng Luật thống nhất, tránh tùy tiện, hạn chế việc ban hành văn bản hướng dẫn. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự án Luật.
Về cơ sở hợp lý của các hạn mức xác định quy mô vốn nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, từ thực tiễn áp dụng Luật đấu thầu cho thấy, có dự án sử dụng vốn nhà nước rất lớn nhưng tỷ lệ phần vốn nhà nước dưới 30% tổng mức đầu tư thì không phải thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật; trong khi đó, có dự án tuy sử dụng vốn nhà nước ít nhưng chiếm trên 30% tổng mức đầu tư của dự án lại phải tuân thủ quy định của Luật. Vì vậy, sau khi xem xét cân nhắc mối tương quan giữa quy mô phần vốn góp nhà nước và tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư phát triển, dự án Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật hiện hành nhằm quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn nhà nước: đối với dự án sử dụng dưới 30% vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư, khi sử dụng vốn nhà nước từ mức 500 tỷ đồng trở lên, việc lựa chọn nhà thầu cũng phải thực hiện theo quy định của Luật.
Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dưới 30% và dưới 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu thì theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của dự án Luật, doanh nghiệp vẫn phải ban hành quy chế riêng về lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Mặt khác, khi đã xác định góp vốn vào dự án này, cần tách bạch vai trò của Nhà nước khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước và với tư cách là một trong những đối tác tham gia dự án trong quan hệ kinh tế dân sự, cần tôn trọng quyền quyết định của doanh nghiệp ngoài Nhà nước là người nắm giữ đa số vốn trong tổng mức đầu tư của dự án.
“Như vậy, tất cả các trường hợp sử dụng vốn nhà nước cho dự án đầu tư phát triển đều được quản lý ở các mức độ khác nhau. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự án Luật” – Báo cáo nhấn mạnh.
Quản lý chặt chẽ chỉ định thầu
Một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, hạn chế chỉ định thầu, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp cần khắc phục hậu quả thiên tai, trong tình trạng khẩn cấp như vỡ đê, tắc đường, vỡ đường ống dẫn nước, dẫn dầu… Ý kiến khác đề nghị rà soát, bảo đảm lường hết các tình huống cần chỉ định thầu để tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: thực tế thi hành Luật đấu thầu những năm qua cho thấy hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến hơn so với các hình thức khác khi lựa chọn nhà thầu. Do vậy, dự án Luật quy định 6 trường hợp chỉ định thầu; quy định cụ thể hơn về điều kiện, quy trình, tiêu chí áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư; quy định rõ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác đối với gói thầu khi có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác dù gói thầu đó thuộc trường hợp chỉ định thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu nhằm thể hiện quản lý chặt chẽ việc chỉ định thầu, tránh chỉ định thầu tràn lan.
Có ý kiến đề nghị không quy định về hạn mức chỉ định thầu bởi quy định như vậy có thể bị lợi dụng để chỉ định thầu thông qua việc chia nhỏ các gói thầu. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định về hạn mức chỉ định thầu theo từng thời kỳ, bảo đảm tính ổn định của Luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: khi tiến hành lựa chọn nhà thầu thực hiện những gói thầu đơn giản, gói thầu có giá trị nhỏ, dưới một hạn mức nhất định, thì cần áp dụng hình thức chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian và chi phí. Để ngăn ngừa chỉ định thầu tràn lan, dự án Luật đã quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể như sau: không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và không quá 200 triệu đồng đối với gói thầu mua sắm thường xuyên. Ngoài ra, tại Điều quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu có hành vi cấm chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định ưu đãi cho hàng hóa trong nước, thực hiện chủ trương vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân nhưng cần bảo đảm không trái với các cam kết quốc tế.
Sau khi rà soát, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định về ưu đãi dành cho hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên./.