Sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật công chứng

30/10/2013

Nhằm giải quyết tổng thể những hạn chế, bất cập của Luật công chứng 2006 cũng như sự thiếu thống nhất giữa Luật công chứng và các chế định pháp luật, sáng 29-10, Chính Phủ đã trình Quốc hội về sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật công chứng.

Luật hiện hành quá nhiều hạn chế

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật công chứng (sửa đổi) nêu. Sau sáu năm thi hành Luật công chứng, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã phát triển nhanh về số lượng và ngày càng tăng cường về chất lượng. So với thời điểm giữa năm 2007 khi Luật công chứng bắt đầu có hiệu lực, đội ngũ công chứng viên hành nghề đã tăng từ 393 lên 1.327 người; số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng từ 84 lên 704 tổ chức.

Sau sáu năm, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được gần bảy triệu việc, với doanh thu gần 2.780 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng. Hoạt động công chứng đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật công chứng cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Chưa có quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, các văn phòng công chứng phát triển quá nhanh, nhiều tại các địa bàn quá nóng, trong khi đó nhiều địa bàn, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa lại không có tổ chức hành nghề công chứng để cung cấp dịch vụ này cho người dân.

Một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến những sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản công chứng; một số công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí còn có hiện tượng công chứng viên cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, phải bị xử lý hình sự.

Nhiều tổ chức hành nghề công chứng được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thiếu tính ổn định, bền vững. Thực tiễn hoạt động công chứng phát sinh nhiều vấn đề như Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động, chuyển nhượng Văn phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng ...

Cần sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật công chứng

Qua tổng kết thi hành Luật công chứng năm 2006 và trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật sẽ không khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, không đáp ứng được yêu cầu khách quan về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về công chứng hiện nay và trong những năm tiếp theo. Do đó, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật công chứng năm 2006 và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng năm 2006 thành dự án Luật công chứng (sửa đổi).

Theo đó, sửa đổi Luật công chứng sẽ tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về hoàn thiện thể chế, tổ chức và hoạt động công chứng. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng để phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Luật công chứng được bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề công chứng, thành lập các Văn phòng công chứng, quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên. Luật công chứng (sửa đổi) nhằm tăng cường trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng qua đó bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Luật có nhiều quy định chi tiết nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của hoạt động công chứng, đội ngũ công chứng viên, mở rộng phạm vi hành nghề công chứng. Đề cao giá trị pháp lý của các văn bản công chứng. Ngoài ra quy định của luật sẽ đẩy mạnh việc phân cấp quản lý về công chứng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong việc tham gia quản lý hoạt động công chứng, từ đó hỗ trợ cho công tác quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập với nghề công chứng quốc tế.

 

ĐẶNG GIANG

(http://www.nhandan.com.vn)