Đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Công chứng sửa đổi

30/10/2013

Sáng 29/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng

Tờ trình Về Dự án Luật công chứng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nhấn mạnh thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập là nhiều quy định của Luật Công chứng không còn phù hợp hoặc còn thiếu so với thực tiễn cần điều chỉnh.

Bộ trưởng nhấn mạnh Luật chưa xác định rõ địa vị pháp lý, quyền và trách nhiệm của công chứng viên; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên có điểm còn dễ dãi, thiếu quy định bắt buộc đối với công chứng viên đang hành nghề... nên khó bảo đảm chất lượng văn bản công chứng.

Bộ trưởng cũng đánh giá quy định về điều kiện thành lập Văn phòng công chứng chưa gắn với tính chất đặc thù của nghề công chứng; thực tiễn hoạt động công chứng phát sinh nhiều vấn đề như Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động, chuyển nhượng Văn phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng... nhưng chưa có quy định điều chỉnh dẫn đến lúng túng trong thực hiện.

Các quy định của Luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa có quy định về việc công chứng viên tham gia tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các quy định về tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên để phát huy vai trò tự quản của công chứng viên phù hợp với đặc thù của nghề công chứng và thông lệ quốc tế.

Theo Bộ trưởng, việc Luật Công chứng năm 2006 không tiếp tục quy định công chứng viên được công chứng bản dịch giấy tờ mà giao cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực chữ ký người dịch trong thời gian qua đã dẫn đến chất lượng bản dịch giấy tờ còn nhiều hạn chế trong khi trách nhiệm của người chứng thực và người dịch không rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng; thiếu cơ chế hình thành và phát triển đội ngũ người dịch chuyên nghiệp. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch thuật cơ bản bị buông lỏng...

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh tới việc cần thiết sửa đổi Luật Công chứng để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc sửa đổi Luật Công chứng cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, đẩy mạnh việc phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên trong quản lý hoạt động công chứng từ góc độ nghề nghiệp, tham gia, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về công chứng.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 8 Chương, 76 điều, tăng 9 điều so với Luật Công chứng năm 2006, trong đó sửa đổi 31 điều, bổ sung 10 điều và bỏ 01 điều.

Thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi), về cơ bản, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Công chứng năm 2006, đổi tên dự án này thành Luật Công chứng (sửa đổi) và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình tại hai kỳ họp.

Tuy nhiên, qua giám sát, khảo sát và báo cáo của một số cơ quan, tổ chức, địa phương, Ủy ban Pháp luật nhận thấy quá trình tổ chức và hoạt động công chứng trong thời gian qua còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, cần được sớm giải quyết nhưng chưa được đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ trong dự thảo Luật. Đó là việc xác định loại việc cần phải công chứng; phân định phạm vi nội dung cần công chứng, chứng thực; xử lý hậu quả từ việc Phòng công chứng, Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động; vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước trong việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng....

Thực tiễn vừa qua cũng cho thấy khái niệm công chứng và chứng thực đang còn thiếu rành mạch. Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để có thể bổ sung thêm các nội dung nói trên vào dự thảo Luật.

Đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh

Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật như quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật trình Quốc hội: “Luật này quy định về hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.”

Tuy nhiên đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc bảo vệ và kiểm dịch thực vật không chỉ là trách nhiệm của nhà nước và cá nhân có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước mà còn là trách nhiệm của cá nhân người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đại biểu phân tích tới những hậu quả khó lường nếu sử dụng thuốc thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng tới hệ sinh thái và sức khỏe con người. Từ phân tích này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào phạm vi điều chỉnh của dự Luật.

Thảo luận về thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (Điều 75) có ý kiến cho rằng, quy định, chi phí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy từ ngân sách địa phương là không hợp lý, nên quy định lấy từ nhiều nguồn như lấy từ cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, từ các doanh nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn...

Giải trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đều phải nộp thuế, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường... Nếu quy định chi phí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật lấy từ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn... thì sẽ rất phức tạp trong việc xác định mức thu; đối tượng thu, phương thức quản lý nguồn thu và không bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng thuốc.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đồng tình với quan điểm này, đề nghị kinh phí thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật nên lấy từ nguồn ngân sách địa phương để bảo đảm tính chủ động trong việc xử lý.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất cần có quy định về ký quỹ bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật. Theo đại biểu tuy sẽ có những phát sinh và phức tạp hơn trong quá trình triển khai như vấn đề về lưu kho, vận chuyển, quản lý..., tuy nhiên số tiền này vẫn sẽ ít hơn nhiều số tiền Nhà nước sẽ phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề về môi trường - đại biểu khẳng định.

Đại biểu tin tưởng nếu cách thức này được triển khai tốt sẽ đảm bảo được việc thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Cũng vấn đề này đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng không nên đặt vấn đề tái chế bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bởi việc tái chế lại cần phải qua một quy trình khắt khe, gây tốn kém...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích, làm rõ các nội dung về kinh phí chống dịch; công bố dịch hại thực vật; về hành vi bị cấm; hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật...

Theo dự kiến Chương trình, chiều nay các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; về công tác thi hành án; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)