KẾT LUẬN CỦA PHÓ CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI PHẠM THÁI HÀ TẠI PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN BIÊN SOẠN CUỐN SÁCH BIÊN NIÊN SỰ KIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ CƠ QUAN VĂN PHÒNG QUỐC HỘI (1946 - 2025)

28/02/2024

Văn phòng Quốc hội vừa có văn bản thông báo Kết luận của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà tại Phiên họp thứ nhất Ban Biên soạn cuốn sách Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội (1946 - 2025). Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn Kết luận:

PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT CỦA BAN BIÊN SOẠN CUỐN SÁCH “BIÊN NIÊN SỰ KIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ CƠ QUAN VĂN PHÒNG QUỐC HỘI (1946-2025)”

SẼ TIẾP TỤC SƯU TẦM TƯ LIỆU, GẶP GỠ NHÂN CHỨNG CHO VIỆC BIÊN SOẠN CUỐN SÁCH “BIÊN NIÊN SỰ KIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ CƠ QUAN VĂN PHÒNG QUỐC HỘI (1946 – 2025)”

Thực hiện phân công của đồng chí Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Biên soạn cuốn sách Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội (1946 - 2025), sáng ngày 22/02/2024, đồng chí Phạm Thái Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Biên soạn đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Biên soạn cuốn sách. Tham dự Phiên họp có Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Biên soạn Trịnh Giáng Hương; Vụ trưởng Vụ Thông tin, Phó Trưởng Ban Biên soạn Hoàng Thị Lan Nhung và các thành viên Ban Biên soạn là đại diện cấp ủy, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Biên soạn Phạm Thái Hà kết luận như sau:

1. Thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của Thường trực Ban Biên soạn, Vụ Thông tin, Văn phòng Đảng – Đoàn thể đã tích cực, khẩn trương phối hợp với các chuyên gia (PGS.TS. Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, TS. Lê Văn Phong, Viện sử học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) xây dựng Đề cương sơ bộ, sưu tầm tài liệu, hệ thống hóa hồ sơ tài liệu liên quan đến Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, dự kiến kế hoạch soạn thảo cuốn sách và chuẩn bị nội dung tài liệu Phiên họp thứ nhất của Ban Biên soạn.

Toàn cảnh Phiên họp lần thứ nhất của Ban Biên soạn cuốn sách “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội (1946-2025)”.

2. Đánh giá cao các thành viên Ban Biên soạn đã phát biểu, đóng góp ý kiến sâu sắc, tâm huyết, có luận cứ, luận điểm rõ ràng, bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, quy định của Nhà nước. Các ý kiến đều cho rằng việc xây dựng cuốn sách về lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam (1946 - 2026). Việc biên soạn cuốn sách là điều kiện để tập hợp, hệ thống hóa các sự kiện lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội; từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhất là giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; góp phần xây dựng và phát triển Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội trong tình hình mới.

3. Để triển khai các hoạt động bảo đảm tiến độ, kế hoạch, đề nghị các Vụ, đơn vị liên quan, thành viên Ban Biên soạn tích cực phối hợp chặt chẽ, khẩn trương triển khai để thực hiện tốt công tác biên soạn cuốn sách; đồng thời, lưu ý các vấn đề sau:

3.1. Về công tác biên soạn và nội dung cuốn sách:

(1) Về tên gọi của cuốn sách: Thống nhất với nhiều ý kiến thành viên Ban biên tập và ý kiến của chuyên gia về việc điều chỉnh tên gọi của cuốn sách từ “Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội” thành cuốn “Lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội” với những lý do sau:

- Mục đích xây dựng cuốn sách là hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam. Như vậy, khoảng thời gian cần đưa các sự kiện vào cuốn sách là 1946 - 2026. Tuy nhiên, dữ liệu, hồ sơ khai thác tại các cơ quan, đơn vị lưu trữ không có nhiều, nhất là giai đoạn 1946 - 1960 gần như không có tư liệu gì. Ngoài ra, thời gian xuất bản cuốn sách sẽ là năm 2025; năm 2026 chưa có sự kiện gì để đưa vào cuốn sách. Do đó, nếu xây dựng Biên niên sự kiện lịch sử thì khoảng trống sự kiện là rất lớn; trong khi xây dựng cuốn sách về Lịch sử thì đối với khoảng thời gian chưa khai thác được sự kiện lịch sử, có thể sử dụng phương pháp khoa học lịch sử, phương pháp logic để viết và đánh giá, phân tích lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội giai đoạn này, bảo đảm tính xuyên suốt về hoạt động của các tổ đảng, chi bộ, đảng bộ và gắn với hoạt động của 80 năm Quốc hội Việt Nam.

- Viết về lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội bảo đảm tính bao quát hơn; đồng thời vẫn chứa đựng đầy đủ nội hàm của biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Biên soạn Phạm Thái Hà phát biểu tại Phiên họp.

(2) Về Đề cương: Cuốn sách gắn với kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam. Đề nghị phân kỳ lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội cần bảo đảm chia các chương, mục, sắp xếp ảnh sự kiện bám sát tiến trình hình thành và phát triển của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, nhưng phải phản ánh sâu sắc, toàn diện hoạt động của Quốc hội qua các nhiệm kỳ, qua các giai đoạn, bảo đảm khoa học, có điểm nhấn về dấu ấn hoạt động của các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ Đảng ủy, của chi bộ, đảng bộ và của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Quốc hội. Đồng thời, lưu ý rà soát Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng để đưa ra lập luận chặt chẽ, xây dựng Đề cương cuốn sách bám sát với chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác biên soạn cuốn sách.

Độ dài cuốn sách khoảng 300 trang (chưa gồm các phụ lục) với kết cấu sau:

- Lời giới thiệu của Lãnh đạo Quốc hội.

- Lời mở đầu.

- Phần I - Tổ chức Đảng Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội (1946 - 1960) và Tổ chức Đảng Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1960 - 1981).

- Phần II - Đảng bộ Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước (1981 - 1992).

- Phần III - Đảng bộ Văn phòng Quốc hội (1992 - 2007).

- Phần IV - Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội (2007 - 2025).

(3) Về Kế hoạch biên soạn cuốn sách: Vụ Thông tin tham mưu, đăng ký báo cáo nội dung này tại phiên họp tháng 02 hoặc tháng 3/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội (trong thời gian này, Ban biên soạn vẫn khẩn trương triển khai các hoạt động khác bảo đảm tiến độ). Hoàn thành toàn bộ bản thảo cuốn sách trong Quý IV/2024, trong đó, tháng 11/2024 có bản thảo xin ý kiến thành viên Ban Biên soạn; tháng 12/2024, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội. Tháng 01/2025, xin ý kiến các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo Quốc hội, các bậc lão thành, đảng viên lâu năm, các đồng chí Bí thư qua các thời kỳ. Tháng 3/2025, tổng hợp ý kiến và trình Thường vụ Đảng ủy cơ quan và Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội. Sau đó tiếp thu ý kiến Ban Chấp hành, tháng 5/2025, hoàn thiện và xuất bản cuốn sách phục vụ Đại hội Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2025-2030.

3.2. Về triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới:

- Giao Vụ Thông tin phối hợp với Văn phòng Đảng – Đoàn thể: (i) tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu tại cuộc họp; (ii) tiếp tục sưu tầm tài liệu liên quan đến công tác biên soạn cuốn sách; (iii) biên tập phần phụ lục cuốn sách, gồm: danh sách và ảnh chân dung Bí thư, Ban Chấp hành Đảng bộ qua các thời kỳ; một số hình ảnh tiêu biểu về Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội; các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ cấp trên trao tặng cho Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội…

- Giao Vụ Thông tin phối hợp với các chuyên gia để: (i) nghiên cứu xây dựng đề cương chi tiết, trong đó thể hiện rõ việc phân kỳ, phân chương, kết cấu, độ dài của cuốn sách; (ii) báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan về việc điều chỉnh tên gọi của cuốn sách thành “Lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội”, trong đó nêu rõ lý do điều chỉnh tên gọi, những khó khăn, hạn chế, bất cập nếu xây dựng cuốn Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng ban Hoàng Thị Lan Nhung công bố Quyết định thành lập Ban Biên soạn cuốn sách.

- Giao Văn phòng Đảng – Đoàn thể: (i) tiếp tục đôn đốc phối hợp với các chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội cung cấp thông tin tư liệu phục vụ biên soạn cuốn sách; (ii) cung cấp, sưu tầm, tập hợp danh sách và ảnh chân dung Bí thư, Phó Bí thư Đảng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ qua các nhiệm kỳ và một số hình ảnh tiêu biểu về hoạt động của Đảng bộ cơ quan Văn phòng quốc hội phục vụ biên tập phụ lục cuốn sách; (iii) lập danh sách, địa chỉ và phương thức liên lạc của các đồng chí nguyên Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ Đảng ủy các khóa trước, các nhân chứng lịch sử để sưu tầm tài liệu, phỏng vấn khai thác tư liệu và đối chiếu nguồn tài liệu có liên quan đến các sự kiện của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ; (iv) phối hợp với Thư viện Quốc hội, Vụ Tin học để số hóa các tài liệu, tư liệu và lập box lưu trữ trên môi trường mạng, phục vụ cho công tác xây dựng cuốn sách.

- Đề nghị các chuyên gia Viện Lịch sử Quân sự, Viện Sử học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cần đẩy nhanh tiến độ công tác nghiên cứu, biên soạn nhằm bảo đảm đúng tiến độ đã đề ra để kịp thời xuất bản, phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2025); 80 năm ngày Truyền thống Văn phòng Quốc hội (3/2/1946 – 3/2/2025) và thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2025 – 2030.

- Vụ Thông tin, Văn phòng Đảng – Đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia để bảo đảm triển khai công việc hiệu quả, đúng tiến độ đề ra; kịp thời báo cáo các đồng chí Trưởng Ban và Phó Trưởng ban Biên soạn về những vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp./.

Trọng Quỳnh