TỔNG THƯ KÝ, CHỦ NHIỆM VPQH BÙI VĂN CƯỜNG: KHÔNG CÓ SỰ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI ỨNG CỬ ĐBQH LÀ NỮ

14/05/2021

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử phải tiến hành bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử với người ứng cử là nữ.

 

Sáng 14/5, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức phỏng vấn trực tuyến về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.  

Đến dự cuộc phỏng vấn trực tuyến có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ Công an; Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn.


 Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường.

Nêu giải pháp để đảm bảo tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho rằng cần quán triệt và nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị về bình đẳng giới trong giới thiệu người ra ứng cử. Các cơ quan, đơn vị được dự kiến phân bổ người ứng cử phải là những nơi có điều kiện để có thể giới thiệu người ứng cử là nữ; bảo đảm cân bằng về giới khi phân bổ số lượng các ứng cử viên, các ứng cử viên nữ không đảm nhiệm quá nhiều cơ cấu.

Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử cũng phải tiến hành bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử với người ứng cử là nữ. Còn về phía ứng cử viên nữ phải hết sức tự tin, tuyệt đối không bao giờ tự cho rằng mình chỉ là “đệm” cho người khác, dẫn đến buông xuôi, làm cho qua chuyện, mà phải quyết tâm khẳng định mình và thuyết phục cử tri.

Tại cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cũng quán triệt tuyệt đối tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay. Bởi thực tế là có tình trạng bầu hộ, bầu thay, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, đặc biệt không có lợi cho người ứng cử là nữ vì có một quan niệm khá phổ biến ở nông thôn, đó là “việc nhà là của phụ nữ, việc xã hội là của đàn ông” hoặc có tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”.


Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực.

Đề cập đến những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, có ý kiến nhận định rằng, đa số người tự ứng cử ý thức rõ trách nhiệm của mình và thể hiện rất tâm huyết. Tuy nhiên, thực tế các lần bầu cử cho thấy, số người tự ứng cử trúng cử thấp. Ví dụ, trong danh sách 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV chỉ có 2 người tự ứng cử trúng cử.

Giải đáp về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định: Luật pháp tôn trọng quyền về bầu cử của người dân. Đặc biệt, không có rào cản nào đối với người tự ứng cử, đề cử.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất cơ cấu, số lượng, thành phần và có sự phân bổ về tổ chức, đơn vị để bảo đảm cơ cấu thành phần ở các đơn vị đó. Người dân có quyền đề cử, ứng cử để chọn ra người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, khó khăn lớn nhất với người tự ứng cử là họ phải phải vượt qua được chính mình. Nếu là người có tâm, có tầm vì đất nước vì dân tộc, có quan điểm lập trường rõ ràng, có quá trình công tác tốt đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bám sát các nhiệm vụ của người đại biểu… thì sẽ tự tin nhận được sự tín nhiệm của người dân./.

Bích Lan