BẢO ĐẢM CUỘC BẦU CỬ ĐBQH KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP ĐƯỢC TIẾN HÀNH DÂN CHỦ, ĐÚNG PHÁP LUẬT, AN TOÀN, TIẾT KIỆM

14/05/2021

Để giám sát công tác bầu cử tại các địa phương đúng quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

 

Sáng 14/5, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức phỏng vấn trực tuyến về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.  

Đến dự cuộc phỏng vấn trực tuyến có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ Công an; Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn.


Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường.

Phát biểu tại cuộc phỏng vấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương, địa phương nói riêng.

Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021; diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau hơn 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường khẳng định: Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác bầu cử. Nội dung văn bản ban hành quy định về thành phần, số lượng, cơ cấu ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; về hướng dẫn nghiệp vụ; bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh trật tự, y tế cho cuộc bầu cử.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, công tác bầu cử đã trải qua 3 vòng hiệp thương và đã xác định được danh sách chính thức những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sau Hội nghị hiệp thương lần 3, Hội đồng bầu cử quốc gia đã gửi danh sách người ứng cử do Trung ương giới thiệu về các địa phương để Ủy ban bầu cử cấp tỉnh niêm yết danh sách người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.

Để giám sát việc chuẩn bị công tác bầu cử tại các địa phương đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, các đợt giám sát tập trung từ tháng 3/2021 đến trước ngày diễn ra bầu cử 23/5/2021. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung về tiến trình bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức 14 đoàn giám sát tại 40 địa phương. Trong đầu tháng 5/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ tiến hành giám sát đợt ba với mục tiêu giám sát đủ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hoàn thành trước ngày 20/5.

Thời gian tới, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác bầu cử, đó là: kế hoạch giám sát cuộc bầu cử; xây dựng phương án giải quyết những tình huống có thể phát sinh; phối hợp với các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn các địa phương về các vướng mắc cụ thể trong công tác bầu cử; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho các ứng cử viên để xây dựng chương trình hành động khi tiếp xúc cử tri; xác nhận tư cách đại biểu sau khi trúng cử; hoạt động tổng kết công tác bầu cử Quốc hội trình tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tất cả các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử đều được Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, thảo luận theo đúng nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Tính từ khi bắt đầu triển khai công tác bầu cử đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tiến hành 05 phiên họp toàn thể với nhiều nội dung quan trọng.

Công việc vận động bầu cử được tiến hành khẩn trương phù hợp với tình hình dịch COVID-19

Đề cập vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ: Theo quy định của pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia cuộc bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Cụ thể, 5 trách nhiệm chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động triển khai sớm, tích cực tham gia đề xuất với Quốc hội ra văn bản hướng dẫn và tham gia hướng dẫn như: ban hành Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung (Nghị quyết số 1186).


Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực.

Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Nghị quyết liên tịch số 09).

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng ban hành 2 Thông tri. Đó là, Thông tri số 12/TT-MTTW-BTT ngày 18/01/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thông tri số 13 /TTr-MTTW-BTT ngày 19/01/2021 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử  ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (gọi tắt là Thông tri số 13).

Thứ hai, là tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử. Theo đó, căn cứ vào cơ cấu, thành phần, số lượng của các tổ chức phụ trách bầu cử được quy định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cử đại diện lãnh đạo tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; bảo đảm đủ cơ cấu, thành phần của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ ba, chủ trì 3 hội nghị hiệp thương. Để nâng cao chất lượng của các hội nghị hiệp thương, đảm bảo nguyên tắc dân chủ thì kỳ bầu cử này có một số điểm mới, như khi ban hành Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN còn quy định thêm về trường hợp những người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri và hướng dẫn về số dư người ứng cử. Không đưa vào danh sách để hiệp thương đối với những trường hợp người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi công tác hoặc nơi làm việc, nơi cư trú.

Về số dư người ứng cử, Nghị quyết liên tịch số 09 và Thông tri số 13 đã bổ sung hướng dẫn cụ thể về số dư người ứng cử để làm cơ sở cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức lưu ý trong quá trình giới thiệu, hiệp thương, tránh tình trạng tại các hội nghị hiệp thương lần thứ hai, thứ ba không có đủ số dư người ứng cử để hội nghị xem xét lựa chọn.

Thứ tư, tổ chức hội nghị cử tri, tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử  ĐBQH, đại biểu HĐND cư trú thường xuyên tại địa phương;  hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Hiện tại công việc vận động bầu cử đang được tiến hành tích cực, khẩn trương sao cho phù hợp với tình hình dịch COVID-19.Thời gian tổ chức vận động bầu cử sẽ được kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24h (trước 7h00 ngày 22/5/2021).

Thứ năm, tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia bầu cử và thực hiện giám sát bầu cử, bằng cách động viên cử tri nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử, chủ động tham gia bầu cử, tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay.

Công tác bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng

Đề cập công tác bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc bầu cử, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ Công an khẳng định: Công việc này đã được Bộ Công an chuẩn bị từ sớm, rất kỹ lưỡng về tất cả các mặt, trên khắp cả nước.

Cụ thể, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử, tháng 7/2020, Đảng ủy Công an Trung ương, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị, Kế hoạch tổng thể công an bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử, thành lập Tiểu ban An ninh, trật tự cuộc bầu cử do 01 đồng chí lãnh đạo Bộ làm Trưởng Tiểu ban để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử.


Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ Công an.

Lực lượng Công an cả nước đã tổ chức tốt công tác nắm tình hình bên trong, bên ngoài liên quan an ninh, trật tự cuộc bầu cử; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa từ sớm, từ xa mọi âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây mất an ninh, trật tự, chống Đảng, Nhà nước; liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn người nước ngoài, người Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tăng cường phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, củng cố môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ tốt nhất cuộc bầu cử, trọng tâm là Ngày bầu cử. Có thể khẳng định, đến thời điểm hiên nay, công tác bảo đảm an ninh, trât tự đã cơ bản được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, cụ thể, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Ngày bầu cử.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 12/5/2021 về quán triệt, giao nhiệm vụ và phát lệnh ra quân bảo đảm an ninh, trật tự Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ nêu rõ: Bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị trọng đại, diễn ra trong thời điểm chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, trong nước; âm mưu hoạt động chống phá bầu cử của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm; những vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang lây lan tại một số địa phương và nhiều nước trong khu vực…

Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh: Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Ngày bầu cử - ngày hội của toàn dân, phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND, Ủy ban bầu cử các cấp rà soát kỹ các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn và phục vụ tổ chức thành công Ngày bầu cử.

Bên cạnh đó, cần tham mưu hoàn thiện các phương án, kế hoạch bảo vệ bầu cử, sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp nảy sinh ngay tại cơ sở theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó có tình huống tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly dịch Covid 19; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử. Huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ Ngày bầu cử, bảo vệ từng khu vực bỏ phiếu.

Trước hết phải khẳng định, quá trình triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử thuận lợi là cơ bản, lực lượng Công an luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ban, Bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân, cử tri cả nước. Trong Công an nhân dân, các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương đều đã có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức, triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ tổ chức các sự kiện cấp quốc gia, Hội nghị quốc tế lớn, nhất là các kỳ bầu cử gần đây; mỗi lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử được triển khai rất bài bản, chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng. Bên cạnh thuận lợi, cũng xuất hiện một số khó khăn, thách thức, đó là âm mưu, hoạt động chống phá quyết liệt, ngày càng manh động, liều lĩnh, trắng trợn của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu, các loại tội phạm nhằm gây mất an ninh, an toàn cuộc bầu cử; tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều khu vực đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cũng đặt ra những khó khăn, thách thức chưa từng có trong triển khai lực lượng, biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử.

Các phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND phường

Tại cuộc giao lưu trực tuyến, đề cập công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn, cho biết ngày 27/11/2019, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị như sau:

- Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội; huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

 - Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết 97/2019/QH14 và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.


Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 01/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm. Do không tổ chức HĐND phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tại các phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây của Thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND phường.

Như vậy, 175 phường của thành phố Hà Nội tại kỳ bầu cử này sẽ không thành lập Ủy ban bầu cử ở phường, Ban bầu cử đại biểu HĐND phường như quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân mà chỉ thành lập các Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội, HĐND các quận và thị xã Sơn Tây nhiệm kỳ 2021-2026. Tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây đã thành lập 1.591 tổ bầu cử với số cử tri là 2.313.000 người.

Do số lượng các tổ chức phụ trách bầu cử trên địa bàn các phường đã giảm bớt nên thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Ủy ban bầu cử các quận và thị xã Sơn Tây cần tập trung đẩy mạnh, tổ chức thực hiện tốt công tác chỉ đạo việc tổ chức bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử trên địa bàn; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cuộc bầu cử; chú trọng công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; có phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử./.

Bích Lan